Cây vải Tổ tại thôn Thúy Lâm. |
Đây là thông tin được ông Hoàng Văn Lượm, người đang trông nom cây vải tổ chia sẻ với phóng viên chiều 13/6.
Theo ông Lượm, chưa năm nào du khách về với cây vải tổ đông như năm nay. Nhiều đoàn khách đi theo tour du lịch, trong đó có đoàn là du khách từ các tỉnh khu vực phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên, đoàn học sinh các trường tham quan nhân dịp nghỉ hè... Ngoài khách trong nước, hàng trăm khách du lịch đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… cũng đã tới đây tham quan cây vải tổ. Lượng khách tăng nhanh từ sau Lễ hội vải thiều (10/6) đến nay, cao điểm vào khoảng 9-10 giờ và từ sau 15 giờ đến tối hằng ngày.
Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà đã có Dự án bảo tồn cây vải tổ. Đến nay, khuôn viên bảo tồn cây vải thiều tổ năm nay đã khang trang hơn với nhiều hạng mục. Ngoài khu vực nhà thờ cụ Hoàng Văn Cơm được xây mới còn có ao sen, tường rào, nhà khách, dãy ghế phục vụ du khách nghỉ chân. Trong khuôn viên, ngoài cây vải tổ còn có những cây vải thế hệ thứ 2 và thứ 3 được chiết từ cây vải tổ.
Tương truyền, cụ Hoàng Văn Cơm - một người dân thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà có công mang cây vải thiều đầu tiên về trồng. Đến nay, cây có tuổi đời khoảng 200 năm. Ngày 10/10/1992, Trung ương Hội làm vườn Việt Nam đã có quyết định công nhận cây vải cụ Cơm trồng đầu tiên là cây vải tổ.
Đến nay, cây vẫn cho quả đều nhờ hàng năm gia đình ông Hoàng Văn Lượm - cháu đời thứ 5 của cụ Hoàng Văn Cơm với sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp huyện Thanh Hà luôn quan tâm chăm sóc. Việc chăm sóc công phu gồm: Phun thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình; sau mỗi vụ thu hoạch, bổ sung đất phù sa để ải trộn với phân hữu cơ ủ mục rắc mỏng ở gốc cây; hai năm mỗi lần, tiến hành xới đất ở xung quanh gốc và bón phân hữu cơ để bổ sung nguồn “dinh dưỡng” nuôi cây.
Khuôn viên bảo tồn cây vải tổ ngày một khang trang đang và sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua với du khách về Thanh Hà mỗi mùa vải chín. Du khách sau khi tham quan chụp ảnh lưu niệm tại đây, có thể nghỉ chân, thưởng thức những quả vải ngọt mát được trồng theo quy trình sạch. Sau đó, tham quan, trải nghiệm hái vải tại các vườn vải VietGAP ở địa phương, mua sản vật từ cây vải gồm: Vải tươi, vải khô, mật ong hoa vải…