Trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia về du lịch năm 2010, Tổng cục Du lịch lần đầu tiên vừa tổ chức hội thảo “Du lịch đường sắt - Thực trạng và định hướng phát triển”.
Phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn ông Nguyễn Quý Phương, Vụ phó Vụ Lữ hành xung quanh chủ đề trên.
Ông đánh giá như thế nào về sự hợp tác giữa du lịch và đường sắt trong quá trình phát triển du lịch nói chung?
Trên thực tế, kinh doanh vận tải du lịch đường sắt vẫn triển khai. Các doanh nghiệp vận tải đường sắt và doanh nghiệp du lịch đã bắt tay triển khai một số tuyến như tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang. Theo quan điểm của tôi, hai ngành trước hết cần họp bàn triển khai, thống nhất về tiêu chuẩn vận tải khách du lịch bằng đường sắt.
Hiện Bộ VH,TT&DL và Bộ Giao thông Vận tải đã có làm việc về việc cấp biển hiệu cho phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng ô tô. Chúng tôi cũng đã làm việc với các địa phương về tiêu chuẩn phương tiện vận tải đường thủy như tại Hạ Long. Còn với đường sắt thì chúng tôi vẫn chưa triển khai được công việc này.
Đường sắt có những đặc thù khác với đường bộ (như chỉ có 1 tuyến duy nhất, quản lý đầu máy toa xe cũng chỉ do Tổng công ty Đường sắt quản lý). Để phục vụ khách du lịch, vấn đề tiêu chuẩn toa xe, trang thiết bị như thế nào, tiêu chuẩn phục vụ trên toa, đường ra sao, nhân viên phục vụ trên toa có phải được đào tạo kiến thức về du lịch, phục vụ khách... tất cả đều phải quy chuẩn lại.
Vậy theo ông, cần làm gì để phát huy lợi thế du lịch đường sắt so với loại hình vận chuyển khác?
Giao thông vận tải có ý nghĩa quan trọng tới phát triển du lịch. Các nhà quản lý đường sắt và du lịch sẽ ngồi lại với nhau để có chính sách phù hợp hơn với du lịch; có chính sách khuyến khích đầu tư vào vận tải đường sắt trong du lịch. Các doanh nghiệp du lịch có sự quan tâm loại hình vận tải đường sắt. Đường sắt là ngành đơn tuyến, đòi hỏi vốn lớn về đầu tư hạ tầng nên không thể thay đổi sớm được.
Trước mắt, ngoài việc nâng cấp nền đường, việc hoàn thiện dịch vụ trên toa xe khách du lịch là quan trọng, chất lượng trang thiết bị, đội ngũ nhân viên trên đoàn tàu du lịch. Đồng thời với đó là vấn đề nhà ga, bởi thực tế nhiều nhà ga vẫn chưa đảm bảo phục vụ khách bình thường. Dịp cao điểm ga và tàu đều quá tải. Trước mắt, ngành đường sắt cần nâng cao năng lực tại các nhà ga, tuyến đường, toa xe và nhân viên phục vụ.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Cường