Hoạt động quảng bá xúc tiến tại Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội (VITM 2016). |
Theo đánh giá, trong quá trình thực hiện nổi lên một số bất cập như việc xếp hạng khu du lịch, điểm du lịch theo hai cấp quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, việc xếp hạng không xác định khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp địa phương được định danh trước hay đến khi được công nhận mới được gọi là khu du lịch, điểm du lịch theo từng cấp độ được quy định tại Luật. Khu du lịch được hưởng các ưu đãi về đầu tư như thuế đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, thuế doanh nghiệp... nhưng trên thực tế theo quy định mới tại Luật Đầu tư thì du lịch không còn được coi là ngành, nghề được hưởng ưu đãi. Việc quy định công nhận theo hai cấp quốc gia và địa phương nhưng không có tiêu chuẩn quốc gia để thẩm định đánh giá.
Do đó, trong Luật Du lịch (sửa đổi) hướng tới bảo đảm các khu du lịch, điểm du lịch được thẩm định, xếp hạng công khai, công bằng theo đúng tiêu chuẩn quốc gia; tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hình ảnh điểm đến, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư tại khu du lịch, điểm du lịch; bảo đảm an toàn hơn đối với khách du lịch khi đi du lịch tại những khu du lịch, điểm du lịch đã được xếp hạng. Tổng cục Du lịch đề xuất thay đổi toàn bộ quy định về thẩm quyền công nhận, cách thức công nhận, và xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia để làm cơ sở đánh giá, thẩm định và xếp hạng.
Đối với điều kiện kinh doanh lữ hành, Luật Du lịch 2005 quy định khá chi tiết điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế, nhưng quy định đơn giản điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa. Việc quy định điều kiện kinh doanh lữ hành đang tồn tại nhiều vấn đề. Đơn cử như quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng trên thực tế, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế là một hình thức để cơ quan có thẩm quyền công nhận việc doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đã bảo đảm đủ các điều kiện kinh doanh (bao gồm cả việc ký quỹ đặt cọc để bảo đảm việc đền bù cho khách du lịch nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật).
Đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa không yêu cầu phải có giấy phép và không phải ký quỹ đặt cọc, không quy định việc bắt các doanh nghiệp lữ hành nội địa phải báo cáo về hoạt động. Như vậy, tạo ra sự không đồng bộ với hệ thống pháp luật và ngay chính bản thân các quy định của Luật Du lịch 2005. Viêc này tạo nên sự không công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa. Trên thực tế không thể quản lý được các doanh nghiệp này, thậm chí kinh doanh lữ hành mà không thành lập doanh nghiệp. Việc này cũng không thống nhất với pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp.
Do đó, Luật Du lịch (sửa đổi) hướng tới bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; xác định được số lượng và đưa ra những biện pháp quản lý hữu hiệu trong hoạt động lữ hành; tăng cường quản lý nhà nước để tránh những hậu quả pháp lý do chỉ thực hiện công tác hậu kiểm. Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi bổ sung đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh lữ hành cũng như các điều kiện bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.
Đối với hành nghề hướng dẫn du lịch được xác định là một nghề tự do. Người muốn hành nghề hướng dẫn du lịch phải đáp ứng các điều kiện và được cấp thẻ mới được hành nghề. Luật Du lịch 2005 quy định “hướng dẫn viên được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành”. Tuy nhiên, trên thực tế thì một hướng dẫn viên có thể cùng một lúc ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp lữ hành miễn là họ không vi phạm các điều khoản quy định trong nội dung của hợp đồng. Vì vậy, nội dung này còn có ý nghĩa gì khi họ là người hành nghề tự do chỉ nhận công việc theo từng đoàn khách cụ thể.
Luật Du lịch sửa đổi đáp ứng yêu cầu khắc phục hạn chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ASEAN và thực thi Thỏa thuận thừa nhận nghề lẫn nhau giữa các nước ASEAN đã ký kết. Luật sửa đổi điều chỉnh cách thức để có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và hạ thấp tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế.
Về thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch Luật Du lịch 2005 thực tế đang tồn tại một số bất cập như: Một số loại cơ sở lưu trú du lịch không được triển khai thẩm định, xếp hạng trên thực tế vì chưa được quy định trong Luật Du lịch 2005 (tàu thủy lưu trú du lịch…). Số lượng cơ sở lưu trú du lịch đưa vào hoạt động mà không thực hiện thủ tục thẩm định, xếp hạng theo quy định. Do đó, Luật Du lịch sửa đổi hướng tới loại bỏ những cơ sở kinh doanh không lành mạnh, không bỏ lọt đối tượng không được điều chỉnh (nhà nghỉ) nhằm làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch. Do đó, Luật định hướng bổ sung quy định về các loại cơ sở lưu trú du lịch, trình tự, thủ tục thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch chặt chẽ hơn.
Toàn văn dự thảo Luật Du lịch sửa đổi đang được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (www.quochoi.vn ), Cổng thông tin điện tử Chính phủ (www.chinhphu.vn) để lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.