Liên kết phát triển du lịch miền Trung: Bài 1 - Ba địa phương, một điểm đến

Trong chuyến làm việc tại miền Trung vào tháng 2/2019, sau khi khảo sát, đánh giá khái quát tiềm năng du lịch trong vùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: "Không có hệ đếm hay mỹ từ nào để có thể tô điểm hết tài nguyên du lịch quá đặc sắc và phong phú của miền Trung - Tây Nguyên". Tuy nhiên theo Thủ tướng, tài nguyên du lịch nơi đây vẫn chỉ là viên ngọc thô, chưa được mài giũa hoặc chưa tìm được người thợ giũa xứng đáng.

Đó cũng là yêu cầu đặt ra cho liên kết vùng nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, trong đó có du lịch các tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, góp phần đưa "ngọc thô" tỏa sáng. 

Chú thích ảnh
Du khách tham quan Đại Nội Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Bài 1: Ba địa phương, một điểm đến

Vùng Duyên hải miền Trung được xác định giàu tiềm năng phát triển du lịch, có vị trí địa lý thuận lợi và có mối quan hệ chặt chẽ với khu vực Tây Nguyên của Việt Nam với  Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar.

Đây cũng là cửa ngõ ra biển của tuyến Hành lang kinh tế - du lịch Đông Tây (WEC) nối với đường hàng hải quốc tế. Vùng duyên hải miền Trung, nhất là các tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam còn là nơi hội tụ đầy đủ các tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử đặc thù của cả nước.

Phát huy tiềm năng

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho biết: Trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến khu vực miền Trung và Tây Nguyên (gồm có 19 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) đạt 58 triệu lượt khách; trong đó có 9,5 triệu lượt khách quốc tế.

Du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều điểm đến ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trong năm 2018, ba tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đón tổng cộng 18,35 triệu lượt khách; trong đó có hơn 9 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch của cả ba địa phương khoảng 13.900 tỷ đồng.

Thừa Thiên - Huế là một trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của vùng duyên hải miền Trung với 5 Di sản Văn hóa thế giới cùng hàng trăm di tích lịch sử văn hóa được công nhận khác. Đây là nơi tập trung của nhiều di tích văn hóa, di tích lịch sử cách mạng và di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.

Các Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận gồm: Thừa Thiên - Huế có 5 trên tổng số 8 di sản; Quảng Nam có phố cổ Hội An và Khu Di tích Mỹ Sơn; dân ca bài chòi các tỉnh miền Trung.

Vùng còn có những tài nguyên văn hóa lịch sử như cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, Trúc Lâm thiền viện trên đỉnh Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế); làng đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng - Sơn Trà, thành Điện Hải (Đà Nẵng); kinh đô Trà Kiệu, chùa Cầu, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh (Quảng Nam).

Để tiếp tục phát huy tính hiệu quả trong hoạt động liên kết quảng bá du lịch chung, từng bước định vị thương hiệu vùng của ba địa phương như một điểm đến có giá trị và thú vị ở Việt Nam, ngành du lịch các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đẩy mạnh liên kết để xúc tiến du lịch thông qua việc hợp tác phát triển du lịch "Ba địa phương - một điểm đến".

Bao gồm việc nâng cao vai trò của hiệp hội về đối thoại công tư, xây dựng cơ chế chính sách và quản lý nhà nước, hợp tác trong lĩnh vực thông tin du lịch, đầu tư và phát triển sản phẩm cũng như tuyên truyền quảng bá cho sản phẩm của địa phương, đào tạo và phát triển du lịch, khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch cụ thể và khâu quảng bá.

Theo đó, ba địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam - Huế tập trung tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng và các sản phẩm dịch vụ du lịch của vùng đến các thị trường tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả như: thị trường Nga, Australia, Anh, Đức, Pháp; thị trường Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc); Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore).

Bên cạnh đó, ngành du lịch của ba địa phương cũng sớm xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế từ Bangkok (Thái Lan), Australia, Moscow (Nga)… đến sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) và Đà Nẵng. Quá trình triển khai các hoạt động liên kết, phát triển du lịch ba địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đã có những hiệu quả trong việc quảng bá, xúc tiến kết nối với các thị trường du lịch khác.

Trước hết, Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là ba địa phương trên trục di sản có rất nhiều tiềm năng về du lịch. Trên chiều dài chưa đầy 300km, cả ba địa phương sở hữu những bãi biển đẹp vào loại nhất nhì thế giới; các di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn; những khu sinh thái sinh quyển, rừng quốc gia phong phú đa dạng về chủng loại động thực vật…

Phát huy các thế mạnh của mình, ba tỉnh cũng đã tạo ra những sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương như: các làng nghề thủ công truyền thống tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên (Thừa Thiên - Huế), đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (Quảng Nam…

Ba địa phương tạo ra điểm đến chung, có sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú, du khách dễ dàng lựa chọn sản phẩm cho chuyến đi; đồng thời, cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt dựa trên lợi thế của mỗi địa phương.

Thừa Thiên - Huế nổi tiếng với vịnh Lăng Cô - một trong những vịnh đẹp nhất thế giới và cũng là địa phương sở hữu vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng nhất Đông - Nam Á, có các di sản văn hóa thế giới cùng những di sản phi vật thể, văn hóa dân gian, truyền thống đặc sắc.

Thế mạnh của Thừa Thiên - Huế với hệ thống di tích Cố đô, là thành phố Festival, thành phố văn hóa của ASEAN. Đà Nẵng là điểm thu hút mạnh nhất về du lịch biển đảo, khu rừng trong thành phố với bán đảo Sơn Trà - địa bàn cư trú của loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm có tên trong sách đỏ.

Quảng Nam lại nổi danh với Cù Lao Chàm (Hội An) - khu dự trữ sinh quyển thế giới đang phát triển mạnh loại hình du lịch homestay cùng với phố cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới. Vịnh Lăng Cô được Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới (World Bays) bình chọn là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.

Những địa danh này mang lại cho khách du lịch nhiều cơ hội vui chơi, giải trí tốt như các chuyến đi bộ tới các thác nước có vũng sâu để tắm, các tua tham quan hang động kỳ bí, các chuyến du lịch khám phá hấp dẫn, ngâm mình trong suối nước nóng tự nhiên, khám phá các thảm thực vật và động vật quý hiếm của địa phương.

Ba địa phương thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, cung cấp thông tin về tình hình phát triển du lịch, chương trình tour, các điểm đến và sản phẩm du lịch mới để giới thiệu đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch ở các thị trường tiếng hiếm như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan; xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế mới như Hồng Kông - Đà Nẵng, Busan - Đà Nẵng; thành lập các tổ công tác phát triển du lịch… đã được các địa phương phối hợp thực hiện một cách hiệu quả.

Mới đây, sau sự kiện đón nhận Bằng Di tích Quốc gia Hải Vân Quan, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng cùng ban hành quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị đi tích; lập hồ sơ quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích gắn với phát triển du lịch bền vững...

Từ đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch luôn được chú trọng ở các địa phương này. Đáng chú ý, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch lớn, trong đó có những sự kiện mang tầm quốc tế với hình thức, nội dung thể hiện mới nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch địa phương.

Nhờ đó, ngành Du lịch tại đây đã khởi sắc đáng kể, có những hoạt động văn hóa đặc sắc “chỉ riêng nơi này có được” hấp dẫn khách du lịch trong nước và ngoài nước như Festival Huế, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival di sản Quảng Nam…

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Chú thích ảnh
Khách du lịch ngắm đèn lồng Hội An. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Trong thời gian đến, để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nói chung và ba tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam nói riêng cam kết sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, đồng thời cam kết đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững…

Các địa phương trong vùng tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp; xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển du lịch; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông đối ngoại khu vực, kết nối với hai đầu đất nước. Trước mắt, các địa phương trong vùng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp các dự án cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết: Mô hình liên kết Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng có thể xem là cách làm hay và chính mô hình hợp tác liên kết du lịch này đã mang lại những kết quả khá tích cực cho ba địa phương.

Đó không chỉ là hiệu quả của công tác quảng bá, xúc tiến mà việc liên kết còn thể hiện trong xây dựng chính sách quản lý, phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực… giúp từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của ba địa phương như là một điểm đến có giá trị và thú vị nhất ở Việt Nam với sản phẩm đa dạng, chất lượng. Bên cạnh các sản phẩm chung, việc liên kết đã tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, sức hấp dẫn cho khách tham quan khi thụ hưởng sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng.

Mô hình liên kết Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam được xem là một điển hình tiêu biểu thành công trong liên kết du lịch giữa các địa phương. Tuy vậy, mối liên kết này mới chỉ dừng lại ở cấp độ các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội du lịch, trong các hoạt động cùng nhau xúc tiến quảng bá, tổ chức các đoàn famtrip, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Thực tế, các doanh nghiệp chưa thực sự bắt tay liên kết với nhau để tạo ra những sản phẩm dùng chung cho ba địa phương. Hiện tính liên kết thực chất chỉ chủ yếu ở cấp độ các doanh nghiệp lữ hành, thông qua việc kết nối các tour tham quan ba tỉnh, thành phố lại với nhau, tránh trùng lặp các sản phẩm du lịch đặc trưng địa phương…

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, các địa phương trong vùng đang dùng "bàn tay của người thợ kim hoàn" để mài dũa "viên ngọc thô"; tức kết nối từ cấp độ chiến lược cho đến việc thực hiện, từ cấp quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp lữ hành, du lịch.

Để sự liên kết có hiệu quả hơn và đi vào chiều sâu, các địa phương đang triển khai thêm rất nhiều hoạt động như đánh giá, lựa chọn, hình thành các sản phẩm chung, phối hợp tổ chức các sự kiện, định hướng các hoạt động marketing cho cả ba địa phương, cũng như hình thành quỹ xúc tiến chung có tính đến việc xã hội hóa từ doanh nghiệp.

Ðối với khách quốc tế, các địa phương trong vùng tiếp tục hợp tác chặt chẽ để quảng bá hình ảnh điểm đến chung cho cả khu vực. Đồng thời, cung cấp các ấn phẩm, tài liệu cho khách qua các kênh như: cơ quan đại diện ngoại giao, hàng không và các doanh nghiệp du lịch, tổ chức những đoàn khảo sát cho báo chí trong nước và ngoài nước để tuyên truyền trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngoài đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch thông qua việc hợp tác phát triển du lịch "Ba địa phương - một điểm đến"; cần hình thành thêm các tuyến du lịch di sản, chẳng hạn "Con đường di sản miền Trung". Thừa Thiên - Huế hiện có tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản", nên chăng kết nối với các vùng di sản khác của Đà Nẵng, Hội An thành chuỗi giá trị trong việc thu hút khách du lịch.

Liên kết phát triển du lịch miền Trung: Bài 2 - Thừa Thiên - Huế khai thác thế mạnh về đô thị di sản, văn hóa

Quốc Việt - Nguyễn Sơn - Hữu Trung (TTXVN)
Bình Thuận đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện
Bình Thuận đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện

Dự báo trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương và kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, lượng khách đến Bình Thuận tham quan, nghỉ dưỡng sẽ tăng cao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các địa bàn trọng điểm, Ban Quản lý các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN