Hình thành nhiều tour du lịch đặc sắc
Mang đặc thù là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, hơn nữa Hà Nội là đầu mối trung chuyển khách đi các tỉnh thành khác do vậy, tính liên kết luôn được đặt ra đối với ngành Du lịch Hà Nội.
Thực tế cho thấy, khách du lịch đến Hà Nội không chỉ dừng lại ở việc tham quan các di tích, danh thắng tại Thủ đô mà còn có nhu cầu thăm các điểm đến tại địa phương lân cận và ở cả khu vực miền Trung, miền Nam. Việc liên kết du lịch vừa hình thành nhiều tour du lịch có tính liên vùng nhưng đồng thời cũng để giữ chân du khách ở Thủ đô lâu hơn.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, thời gian qua, Hà Nội cùng với các địa phương đã hợp tác xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới như: chương trình du lịch kết hợp giữa du lịch biển và khám phá hang động khởi hành từ Hà Nội qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình; hành trình qua các kinh đô Việt cổ (Nghệ An - Thanh Hóa - Ninh Bình - Phú Phọ - Hà Nội); Hà Nội với các địa phương hành lanh kinh tế Lào Cai - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai); Hà Nội - vùng Đông Nam Bộ; Hà Nội - vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Đây là các sản phẩm được xây dựng trên cơ sở khai thác thế mạnh về văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên của các địa phương theo chuyên đề hoặc tổng hợp. Từ Hà Nội, du khách có thể khám phá điểm đến theo lộ trình được xây dựng và ngược lại du khách các tỉnh có thể tham quan, trải nghiệm Hà Nội cũng như địa phương lân cận.
Việc thúc đẩy đưa đón khách hai chiều thời gian qua đã tác động không nhỏ tới mức tăng trưởng lượng khách nội địa. Theo đánh giá, lượng khách nội địa trong những năm gần đây có sự chuyển biến mạnh.
Bên cạnh một bộ phận người dân có xu hướng đi du lịch nước ngoài, rất đông người muốn khám phá các vùng miền của Việt Nam. Còn với khách quốc tế, việc kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và các vùng du lịch trọng điểm sẽ tăng thêm khả năng thu hút khách cho các địa phương.
Ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, tỉnh Ninh Bình phát triển mạnh du lịch sinh thái và tâm linh. Dù vậy, địa phương vẫn coi trọng hợp tác du lịch, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch Hà Nội để đón dòng khách từ Hà Nội về tham quan.
Đối với Hà Nội, chỉ tính riêng quý I năm nay, khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 7,5 triệu lượt khách, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt gần 1,9 triệu lượt khách, tăng 15,5%; khách du lịch nội địa đạt gần 5,6 triệu lượt khách, tăng 9%. Bên cạnh các yếu tố thúc đẩy du lịch mang tính quyết định thì hiệu quả chương trình hợp tác du lịch cũng đóng góp một phần đáng ghi nhận.
Hỗ trợ quảng bá hình ảnh
Một trong những nội dung hợp tác du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố chính là hợp tác quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Thủ đô và các địa phương. Hà Nội là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, qua đó củng cố được vị trí, hình ảnh trong bức tranh du lịch Việt Nam nói chung. Ngược lại, các địa phương có thêm cơ hội quảng bá những tiềm năng, lợi thế du lịch, kêu gọi hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực này.
Hưởng ứng việc quảng bá hình ảnh du lịch mỗi tỉnh, thành phố nói riêng và hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung, tại các sự kiện văn hóa, du lịch được tổ chức, Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác đều tích cực tham gia. Có thể kể tới chương trình quảng bá “Sơn La - Miền quê huyền thoại”, “Những ngày Điện Biên tại Hà Nội”, “Đến với thành phố Cần Thơ - Đô thị miền sông nước”, hoạt động Năm Du lịch quốc gia tại các tỉnh, thành phố đăng cai…
Ngành Du lịch Hà Nội được đánh giá có tính chuyên nghiệp cao, có sự đầu tư bài bản, do vậy các địa phương cũng cho rằng Hà Nội cần hỗ trợ các địa phương khác để quảng bá hình ảnh. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang Nguyễn Hồng Hải bày tỏ, trong công tác phối hợp, giao lưu phát triển du lịch, các địa phương cần kết nối hỗ trợ nhau đưa đón khách.
Nhưng bên cạnh đó, các địa phương cũng mong muốn được Hà Nội tạo điều kiện giới thiệu hình ảnh trên kênh truyền hình quốc tế CNN khi thành phố đang thực hiện các chương trình quảng bá hiệu quả trên kênh này.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường đề xuất, việc liên kết không chỉ dừng lại ở tổ chức các đoàn khảo sát để quảng bá và xây dựng sản phẩm, mà còn phải liên kết bằng cung cấp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước để học hỏi kinh nghiệm.
Hà Nội là thành phố có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, cổng thông tin du lịch của Hà Nội vận hành tốt. Nhưng nếu cổng thông tin này kết nối với các địa phương để hỗ trợ lẫn nhau sẽ tốt hơn.
Hà Nội và các địa phương đang có những lộ trình trong hợp tác phát triển du lịch những giai đoạn tiếp theo. Nhưng theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Ðức Hải, cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, thiết thực và hiệu quả dựa trên tinh thần đối xứng hai bên cùng có lợi ích, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng đề nghị các địa phương xây dựng các chương trình liên kết phù hợp để phát huy thế mạnh địa phương, nhưng đồng thời cũng cần nâng cao chất lượng điểm đến cả về hạ tầng lẫn dịch vụ và nhân lực.