Luật mới, 90% hướng dẫn viên du lịch chưa biết về đâu

Dù Luật Du lịch sửa đổi sắp có hiệu lực từ 1/1/2018, trong đó có những quy định mới quản lý HDV nhưng đến nay hơn 90% số hướng dẫn viên (HDV) được cấp thẻ đang hành nghề tự do chưa tham gia tổ chức nào.

HDV thuyết minh tại một điểm tham quan tại Đà Nẵng.

Đa phần HDV hoạt động theo mùa vụ


Ông Lại Văn Quân, Công ty du lịch Tam Sắc cho biết: Đơn vị cũng từng gặp trường hợp thuê HDV tự do (freelance) nhưng sát giờ lại hủy tour nên phải thuê HDV khác. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp lữ hành phản ánh trên diễn đàn du lịch tình trạng HDV nhận tiền đi tour nhưng không đi hoặc đi rồi không về làm quyết toán… Khi thuê HDV freelance mà đánh bài chuồn thì không biết làm cách nào để nắm đằng “chuôi”. Do không có ràng buộc nên không ít HDV làm ăn chụp giật, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và hình ảnh du lịch Việt Nam.


Một đặc điểm của nghề HDV là theo mùa vụ nên doanh nghiệp chỉ hợp đồng với một số HDV nhất định, còn lại thuê HDV freelance để giảm chi phí. Do đó, dù HDV có vai trò quan trọng mang đến sự thành công của chương trình du lịch, tạo ấn tượng với du khách nhưng đến nay không có một tổ chức nào quản lý. “Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch hoặc Sở VHTTDL các tỉnh cấp thẻ xong cũng không nắm được HDV này hoạt động như thế nào? Chỉ trường hợp vi phạm bằng cấp đến kỳ đổi thẻ mới bị thu hồi”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.


Bà Phạm Lê Thảo, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) cho biết: “Khi xảy ra tranh chấp, nhiều doanh nghiệp cũng thông tin đến Tổng cục Du lịch. Tuy nhiên đây là tranh chấp dân sự giữa hai bên căn cứ theo hợp đồng và hồ sơ lưu khi đi tour. Hiện nay một giải pháp doanh nghiệp đang áp dụng là bêu tên lên diễn đàn để các đơn vị khách không thuê lại HDV vi phạm. Tổng cục Du lịch mới chỉ thu hồi thẻ HDV gần 400 trường hợp do phát hiện dùng bằng giả để xin cấp thẻ”.


Tình trạng hoạt động của HDV đang diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là ở những thị trường ngoại ngữ hiếm, có tốc độ tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga... “Dù báo chí, dư luận xã hội lên tiếng nhiều nhưng vẫn xảy ra tình trạng các HDV chấp nhận là bù nhìn làm “sitting guide”, tiếp tay cho người nước ngoài hoạt động hướng dẫn trái phép ở Việt Nam. Mới đây, hơn 200 HDV tiếng Trung ký đơn tập thể tố cáo các hoạt động không lành mạnh của không ít HDV tại khu vực miền Trung cho thấy những bất cập tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết”, đại diện Hiệp hội du lịch Đà Nẵng nhận xét.


Do không có đơn vị quản lý HDV nên gây nhiều hệ lụy liên quan đến trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp... Trước tình hình đó, Luật Du lịch 2017 đã điều chỉnh lại quy định về điều kiện hành nghề của Hướng dẫn viên du lịch. Theo đó, HDV được phép hành nghề phải đảm bảo tiêu chuẩn: được cấp thẻ HDV và phải có hợp đồng lao động với công ty lữ hành, công ty chuyên cung cấp HDV hoặc là thành viên của Hội nghề nghiệp HDV. Đây là những điều kiện rất quan trọng để góp phần quản lý, chấn chỉnh đội ngũ HDV hiện nay.


Quản lý theo hướng nào?


The thống kê của Tổng cục Du lịch, tổng số HDV du lịch Việt Nam hiện có hơn 20.000 người nhưng trong đó có tới hơn 90% là HDV tự do (freelance). Với tốc độ độ tăng trưởng lượng khách như hiện nay, con số HDV sẽ lên tới 30.000 người.


Theo ông Nguyễn Thế Huệ, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ninh, để đáp ứng điều kiện này khi Luật Du lịch sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018, việc thành lập Hội HDV là cần thiết. Tuy nhiên, do đặc điểm nghề HDV thường xuyên đi lại thì cơ chế hoạt động, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, phân loại hướng dẫn viên… là điều nhiều HDV quan tâm.


“Do đặc thù nghề nghiệp, để quản lý lực lượng này, Hội HDV và sẽ thống nhất với Tổng cục quản lý qua hệ thống thông tin, mạng trực tuyến để vừa quản lý, trao đổi thông tin, giám sát hoạt động hướng dẫn và phát hiện những trường hợp vi phạm”, ông Vũ Thế Bình cho biết.


Bà Trần Việt Hương, trưởng Ban HDV của Công ty du lịch Vietravel cho rằng: “Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp cho thấy quản lý trực tuyến qua hệ thống mạng sẽ công khai, minh bạch và thuận tiện hơn. Với HDV, quan trọng nhất là sự minh bạch, công bằng. Có như vậy sẽ phân biệt được chất lượng HDV. Bên cạnh đó, cần tích hợp mã số quản lý HDV để quản lý tốt nhất và ít tốn kém”.


Đại diện các Sở Du lịch, Sở VHTTDL cũng cho biết sẽ sớm tổ chức phổ biến triển khai Luật Du lịch 2017. Trước mắt, các địa phương sẽ tuyên truyền, hướng dẫn đến các HDV, doanh nghiệp thực hiện tuân thủ quy định của Luật; khi có Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể sẽ tiếp tục phổ biến, triển khai để Luật đi vào cuộc sống.


Ông Lại Văn Quân nhận xét: “Những quy định mới của Luật Du lịch về quản lý HDV cũng đang được chia sẻ thông tin trên các diễn đàn du lịch. Tuy nhiên, phần nhiều HDV tự do vẫn đang nghe ngóng cụ thể văn bản hướng dẫn của luật, nhất là chế tài hiện nay vẫn chưa có. Đồng thời, điều quan tâm nhất của HDV là quyền lợi ra sao khi tham gia tổ chức Hội hay ký hợp đồng với doanh nghiệp sao cho thuận tiện nhất để không phạm luật khi hành nghề”.

XC/Báo Tin tức
Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội liên tục đổi mới đào tạo
Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội liên tục đổi mới đào tạo

Nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, sáng ngày 17/11, trường Cao đẳng du lịch Hà Nội tổ chức kỷ niệm 45 năm thành lập trường và đón nhận huân chương lao động hạng Nhì (lần 2 giai đoạn 2012-2017).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN