Trong một năm qua, chính sách miễn thị thực nêu trên đã góp phần thu hút thêm nhiều khách 5 nước Tây Âu đến Việt Nam.
Trước khi Chính phủ quyết định gia hạn miễn visa cho du khách 5 nước Tây Âu đến ngày 30/6/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đệ trình Chính phủ phê duyệt thời gian miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước này từ 1 năm lên 5 năm và tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch Tây Âu. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được chấp thuận. Bởi hiện nay, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47/2014/QH13) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 16/6/2014, tại chương VI, mục “Tạm trú”, điều 31, điểm d đã quy định rõ: Công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì được cấp tạm trú 15 ngày.
Đây thực sự là thách thức đối với những người làm du lịch. Ngay từ khi có chính sách miễn visa cho khách Tây Âu trong vòng 1 năm, rất nhiều đơn vị lữ hành lớn của Việt Nam đã lên tiếng cho rằng: Chính sách miễn thị thực trong 1 năm mang tính ngắn hạn trong khi các kế hoạch kinh doanh thường theo chiến lược từ 3 - 5 năm hoặc dài hạn (trên 5 năm) để các doanh nghiệp có phương án đầu tư nguồn lực và sắp xếp kế hoạch kinh doanh. Thêm vào đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến cần trước ít nhất 6 tháng đến 1 năm để đưa các gói sản phẩm cụ thể đến với du khách. Khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu cũng cần ít nhất 3 - 6 tháng để quyết định điểm đến du lịch sau khi có thông tin. Chính vì vậy, thời gian càng về sau, tốc độ tăng trưởng khách du lịch càng cao hơn. Chính sách ngắn hạn mới chủ yếu thu hút khách lẻ, khách Tây Âu đang làm việc tại các nước gần Việt Nam hoặc nối tour sang nước ta.
Các doanh nghiệp cũng chỉ ra rằng: Khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu đến Việt Nam thường theo các chương trình trên 15 ngày, thông thường khoảng 3 - 4 tuần. Do đó, chính sách miễn thị thực trong 15 ngày chưa thực sự hấp dẫn du khách. Trong Sách trắng 2015, các chuyên gia EuroCham cũng cho rằng: Thời hạn miễn thị thực cho khách quốc tế tại Việt Nam cần tăng lên 30 ngày…
Ngoài việc cần điều chỉnh tăng ngày miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày cho khách du lịch 5 nước Tây Âu, ngành du lịch cũng cho rằng cần thiết phải tiếp tục miễn thị thực cho công dân 13 nước đến Việt Nam du lịch theo chương trình tour trọn gói do các công ty lữ hành quốc tế được phép hoạt động tại Việt Nam tổ chức. 13 thị trường này gồm: Australia, New Zealand, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Canada, Áo, Hà Lan, Bỉ,
Azerbaijan, Kazakhstan, Uzberkistan và Ấn Độ. Khách từ 13 thị tường này chiếm từ 46 - 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chủ yếu là tham quan nghỉ dưỡng. Việc áp dụng chính sách miễn thị thực cho khách du lịch đi theo tour sẽ góp phần tăng nhanh lượng khách trong thời gian tới, đảm bảo được mục tiêu về tăng trưởng lượng khách và thu nhập từ khách theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030…
Vẫn biết nếu thực hiện miễn thủ tục visa thì các sứ quán và cơ quan đại diện ngoại giao mất đi một nguồn thu lệ phí visa nhất định, việc gia hạn visa từ 15 lên 30 ngày để có thể tham gia trọn vẹn một tour châu Á, Đông Nam Á... của các du khách quốc tế cũng là một việc làm tốn kém không chỉ tiền bạc mà cả thời gian. Tuy nhiên không thể chỉ vì vài USD/lệ phí Visa/ khách quốc tế đến Việt Nam mà lợi ích mang lại chỉ dành cho một nhóm nhỏ nêu trên để bỏ qua những lợi ích kép hàng trăm triệu đô la mà nguồn khách này tạo ra khi chọn Việt Nam là Điểm Đến.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật 23/6 đã nhấn mạnh: "Với mục tiêu xây dựng một chính phủ kiến tạo, kiên quyết không để tình trạng lợi ích nhóm chi phối chính sách."Tinh thần kiên quyết này của người đứng đầu Chính phủ rất cần được soi rọi và tháo gỡ những vướng mắc về chính sách thị thực còn tồn tại hiện nay, tạo nên những xung lực mới cho ngành công nghiệp không khói của đất nước!