Mở cửa du lịch - Bài 2: Thách thức 'thay áo mới'

Với hiệu quả của những chính sách phòng chống dịch COVID-19 và chiến lược phủ vaccine trên diện rộng của Chính phủ, cùng quyết định mở cửa du lịch cũng như chính quyền địa phương đã góp phần kiểm soát cơ bản tình hình dịch bệnh, nhưng du lịch TP Hồ Chí Minh nói riêng, chuỗi cung ứng du lịch nói chung vẫn đứng trước nhiều thách thức.

Thách thức sẽ khó giải quyết khi ngành du lịch hiện có hơn 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa và nhiều doanh nghiệp trong số đó phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa. Nhiều lao động phải rời ngành tìm kiếm việc làm khác do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong suốt 2 năm qua.

Phục hồi từ nội lực

Chú thích ảnh
Chùa Thiên Hậu, điểm tham quan tại Thành phố Hồ Chí Minh được nhiều du khách quốc tế yêu thích. Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Ghi nhận thực tế trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh sau thời gian dài đình trệ hoạt động, cơ sở vật chất hạ tầng của nhiều khu điểm du lịch, khu vui chơi giải trí và cả cơ sở lưu trú xuống cấp, hư hỏng hoặc ngừng phục vụ dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm, tour tuyến phải ngừng khai thác, số lượng sản phẩm không còn đa dạng. Cũng trong bối cảnh chung của các địa phương, nguồn nhân lực ngành du lịch Tp. Hồ Chí Minh vừa bị thiếu hụt, vừa suy giảm tay nghề ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng cung ứng dịch vụ cho du khách. 

Trong khi đó, do tác động của dịch bệnh, hành vi và thị hiếu của du khách có nhiều thay đổi với xu hướng đi nhóm nhỏ, đi ngắn ngày, đi gần hơn và nhu cầu đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cao hơn. Đồng thời, trước áp lực cạnh tranh trên thị trường, nhiều nước trong khu vực đang có nhiều chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn cùng với chính sách nhập cảnh khá dễ dàng đang tác động đến sức cạnh tranh của thị trường Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế lẫn khách nội địa. 

Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, một vấn đề thách thức nữa đối với ngành du lịch Tp. Hồ Chí Minh là việc chưa đồng bộ, chưa nhất quán trong những quy định phòng chống dịch bệnh giữa các địa phương dẫn đến việc doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong xây dựng và chào bán sản phẩm liên tuyến, liên vùng; còn du khách vẫn có tâm lý e ngại khi đi du lịch liên tuyến. Theo lộ trình của Chính phủ, du lịch đã mở cửa hoàn toàn, không chỉ thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế, nên đây là thời cơ vàng để du lịch phục hồi và phát triển.

Về phía Tp. Hồ Chí Minh, trong năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng website chung với những vùng, khu vực mà thành phố ký kết hợp tác liên kết nhằm quảng bá thương hiệu, du lịch địa phương một cách hiệu quả. Riêng hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ các tỉnh, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường trao đổi thông tin về sản phẩm, mở rộng giao thương giúp doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội hợp tác xây dựng và bán sản phẩm thông qua tổ chức nhiều hơn và luân phiên tại các tỉnh. 

Bà Phan Thị Thắng cho biết thêm, là đô thị du lịch và trung tâm du lịch của phía Nam, trong thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để đón khách du lịch nội địa và sẵn sàng cho việc đón khách du lịch quốc tế trở lại ngay trong tháng 3/2022. Tp. Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị để triển khai chương trình “Tp. Hồ Chí Minh chào đón bạn” với đa dạng nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm, sự kiện du lịch hiện có và phát triển thêm sản phẩm đặc trưng của thành phố; đẩy mạnh truyền thông về điểm đến Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng trên các kênh quốc tế; trong đó tập trung cho các thị trường trọng điểm.

Mặt khác, ngành du lịch Tp. Hồ Chí Minh cũng tăng cường hỗ trợ khách du lịch trên các kênh thông tin của ngành du lịch, tích hợp đường dây nóng (hotline) hỗ trợ khách du lịch trên Tổng đài thông tin 1022 của thành phố. Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng những cơ chế chính sách phát triển một số nhóm sản phẩm chủ lực, trọng tâm như chính sách khuyến khích phát triển du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác) với nhiều hỗ trợ về truyền thông, ưu đãi giá, thủ tục xin phép tổ chức sự kiện - biểu diễn, chính sách khuyến khích đầu tư du lịch…

Hướng đến mục tiêu xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minnh và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác tại Tp. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 3 vừa qua. Nội dung thỏa thuận hợp tác giữa Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh và EuroCham giai đoạn 2022-2024 sẽ thúc đẩy phát triển loại hình du lịch MICE và du lịch ẩm thực.

Trong khi đó, nội dung thỏa thuận hợp tác giữa Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh và VIAGS giai đoạn 2022-2027, chủ yếu tập trung vào mục tiêu nâng cao số lượng và chất lượng khách du lịch, góp phần phát triển du lịch Việt Nam nói chung và điểm đến du lịch Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.

Tạo sức hút từ chất lượng

Chú thích ảnh
Du khách trải nghiệm tuyến xe buýt vòng quanh Thành phố Hồ Chí Minh của Công ty Ảnh Việt Hop on Hopoff VN đã ứng dụng thành công nhiều giải pháp công nghệ hiện đại vào phục vụ. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Khảo sát thực tế chuỗi cung ứng du lịch trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, trang bị kiến thức và kỹ năng, giải pháp xử lý tình huống phát sinh trong phòng chống dịch COVID-19 một cách chủ động, linh hoạt là vấn đề cấp bách. Đặc biệt, đối với đội ngũ nhân sự đang làm việc trực tiếp tại cơ sở lưu trú du lịch và an toàn của người lao động ứng phó với dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh cho hay, đơn vị này đã và đang triển khai những đợt bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý buồng/phòng cho đội ngũ quản lý trong tình hình mới. Đây được xác định là một trong những giải pháp quan trọng đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cung cấp dịch vụ lưu trú và tham gia vào hoạt động đón khách quốc tế đến Tp. Hồ Chí Minh.

Ngành du lịch Tp. Hồ Chí Minh chú trọng hướng dẫn quy trình mẫu và các quy tắc an toàn trong nghiệp vụ vệ sinh, chuẩn bị buồng/phòng, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, giới thiệu cách sắp đặt vật dụng trong buồng/phòng theo hướng tinh giản trong tình hình mới - quy trình làm buồng/phòng.

Ở góc độ cơ sở lưu trú, ông Daniel Solombrino, Phó Tổng giám đốc khách sạn và khu căn hộ InterContinental Saigon, cho biết, đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước và sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh, cũng như tôn chỉ vốn có của InterContinental Saigon, khách sạn tập trung nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự người Việt Nam. Trong đó, InterContinental Saigon ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tham gia trực tiếp trong chuỗi vận hành, nhất là những vị trí quan trọng.

Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển con người cần sự nhiệt huyết và cái tâm trong công việc. Nên về phía InterContinental Saigon luôn đóng góp vào ngành du lịch và xây dựng danh tiếng cho Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh trên thị trường toàn cầu.

Ông Daniel Solombrino cũng chỉ ra, để thu hút khách du lịch đến Tp. Hồ Chí Minh, ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn phải xây dựng những điểm đến có điểm nhấn hay nét độc đáo nổi bật. Điển hình, ở lĩnh vực  ẩm thực, các đơn vị hoạt động trong ngành có thể công nghệ hóa đa dạng đặc sản, món ngon Việt, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú... từ đó không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ mà còn giữ chân khách đến Tp. Hồ Chí Minh ở dài ngày. 

Liên quan thu hút khách du lịch, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Saigontourist) cho biết, cơ chế chính sách chính là tiền đề quan trọng và cần được ưu tiên thúc đẩy trong đa dạng giải pháp thu hút khách quốc tế đến Tp. Hồ Chí Minh. Biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cần được đảm bảo nghiêm, nhưng không tạo ra rào cản trong mở của thị trường du lịch của Tp. Hồ Chí Minh đối với cả nội địa và quốc tế. 

Ông Võ Anh Tài lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, ngành du lịch Tp. Hồ chí Minh cũng nên mạnh dạn thúc đẩy giải pháp sản phẩm liên vùng, nhất là những tour tuyến nghỉ dưỡng liên tỉnh. Nếu du khách đến Tp. Hồ Chí Minh, nhưng khi rời khỏi địa bàn thành phố tham gia tour tuyến liên kết các tỉnh, thành mà phải thực hiện quy định khác nhau của từng địa phương thì "vô hình" tạo ra rào cản và giảm sức hút của thị trường du lịch.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam phân tích, đối với chuỗi sản phẩm "City tour", ngành du lịch Tp. Hồ Chí Minh cần tiếp tục khảo sát, nghiên cứu và phát triển đa dạng hơn tour tuyến, kể cả đường bộ và đường sông. Trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, cũng như Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành lân cận có những điểm đến có tiềm năng du lịch như bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng... vốn là thương hiệu của Tp. Hồ Chí Minh nhưng chưa được khai thác đúng mức. 

"Hay ở hệ thống bảo tàng, di tích lịch sử... vẫn có sức hút và thế mạnh cạnh tranh riêng đối với du khách trong và ngoài nước đến Tp. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, việc nắm bắt tâm lý của du khách trong xu hướng du lịch mới để có những giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp và tạo ra sức hút cho ngành du lịch Tp. Hồ Chí Minh", ông Nguyễn Khoa Luân, chia sẻ thêm.

Những tồn tại trên được giải quyết kịp thời với sự chung tay của chính quyền và toàn ngành du lịch thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sớm đưa ngành du lịch trở lại guồng quay, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung năm 2022.

Bài cuối: Tăng khả năng chống chịu rủi ro cho du lịch Việt

Mỹ Phương  (TTXVN)
Mở cửa du lịch - Bài cuối: Tăng khả năng chống chịu rủi ro cho du lịch Việt
Mở cửa du lịch - Bài cuối: Tăng khả năng chống chịu rủi ro cho du lịch Việt

Việc mở cửa hoàn toàn ngành du lịch từ ngày 15/3 đang tạo ra cơ hội tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch phục hồi toàn diện sau hơn 2 năm đóng băng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, cần làm gì để tăng khả năng chống chịu và quản trị rủi ro cho du lịch Việt trước những biến cố có thể xảy đến trong tương lai? 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN