Theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách outbound, doanh thu giảm gần 60% so với 2019. Do đó, du lịch nội địa được coi là cứu cánh của ngành du lịch trong năm 2021.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtour, việc lựa chọn tour và sản phẩm du lịch của du khách đã thay đổi trong hơn 1 năm qua. Trong đó, khách không chỉ lựa chọn sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng mà còn chọn điểm đến trải nghiệm; đặc biệt là lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng dịch vụ tốt. Do đó, việc liên kết giữa đơn vị du lịch cần có sự tham gia của địa phương trong việc kích cầu và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Dịch COVID-19 cũng đang thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch. “Sự ưu việt của thương mại điện tử, của nền kinh tế chia sẻ vốn chưa thực sự đi vào cuộc sống thì nay đã trở thành yếu tố bắt buộc đối với nhiều ngành kinh tế. Việc phát triển du lịch nội địa sẽ là lợi thế để thúc đẩy sàn thương mại điện tử, các nền tảng đặt phòng, đặt dịch vụ của doanh nghiệp du lịch cho du khách. Do đó, tùy nguồn lực của từng doanh nghiệp du lịch mà phần chuyển dịch ứng dụng công nghệ thông tin đang diễn ra, áp dụng số hóa” ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng chia sẻ.
Từ góc độ của địa phương, ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng) cho biết: Du lịch là động lực để phát triển kinh tế của địa bàn, nên trong thời gian qua đã được huyện quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch, liên kết với các địa phương, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, nhất là các địa bàn miền Trung và miền Nam qua hướng sân bay Cát Bi. Huyện cam kết đảm bảo an toàn, mang tới sự thân thiện cho du khách.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trong lĩnh vực du lịch, lữ hành là mảng gặp khó khăn nhất. Bình quân mỗi ngày, Tổng cục Du lịch ký thu hồi 15 giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế. Do đó, đây là thời điểm doanh nghiệp lữ hành tái cấu trúc lại hoạt động của doanh nghiệp để tồn tại và hoạt động hiệu quả hơn; trong đó có việc định vị lại thị trường, cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ để có nguồn khách.
“Đến nay, cơ quan quản lý Nhà nước chưa thể xác định thời điểm sẽ mở lại thị trường khách quốc tế, nên trong năm 2021, các doanh nghiệp lữ hành tập trung phát triển thị trường nội địa, Tổng cục Du lịch và doanh nghiệp có định hình cụ thể về từng phần khúc thị trường và có sản phẩm phù hợp, nhất là trong xu thế khách đang chuyển hướng đi theo nhóm, theo gia đình”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.