Vẫn còn tồn tại
Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với việc phát triển, nâng chất, đổi mới sản phẩm du lịch, dù công nghệ có phát triển đến đâu, xét cho cùng vẫn chỉ là công cụ và không thể thay thế con người cũng như giá trị của các điểm đến để tạo nên thương hiệu du lịch.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện nay, nguồn nhân lực du lịch ở thành phố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; vẫn còn tình trạng thiếu hướng dẫn viên đối với các thị trường trọng điểm. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành du lịch chiếm tỷ lệ cao nên khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường và mở rộng thương hiệu quốc tế của du lịch TP Hồ Chí Minh còn hạn chế.
Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ nêu dẫn chứng, mỗi năm, du lịch Việt Nam cần khoảng 40.000 lao động có tay nghề nhưng hiện các cơ sở đào tạo mới đáp ứng được khoảng 15.000 lao động, trong đó nhóm nhân lực chất lượng cao chỉ đáp ứng được khoảng 12%. TP Hồ Chí Minh có lượng nhân lực phục vụ trong các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên rất cao, mỗi năm thành phố có nhu cầu tăng thêm khoảng 12 - 15% lượng nhân lực hiện có, tuy nhiên nguồn cung chưa đáp ứng đủ.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, bên cạnh nhân lực làm việc trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, nguồn nhân sự gián tiếp, làm việc ở sân bay, nhà ga, nhà hát... cũng cần được trang bị, bồi dưỡng các kiến thức liên quan đến du lịch. Có lúc, có nơi vẫn còn tồn tại tình trạng trong quá trình làm việc, lực lượng này do chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức du lịch nên mới chỉ chú trọng chuyên môn mà chưa chú ý đến thái độ, phong thái giao tiếp để tạo ấn tượng tốt với du khách.
Đồng tình với nhận định nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao hiện chưa đáp ứng yêu cầu, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Vietravel cho biết: Các công ty lữ hành khi tuyển dụng lao động vào hầu như phải đào tạo lại ít nhất thêm 6 tháng, thậm chí muốn đào tạo lành nghề phải mất tới 12 tháng.
Bên cạnh yếu tố chất lượng nguồn nhân lực, một bất cập cũng ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng điểm đến, đó là việc quản lý các cơ sở lưu trú. Luật Du lịch năm 2017 quy định cơ sở lưu trú du lịch khi đi vào hoạt động phải đảm bảo có giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và phải đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ du khách nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ tối thiểu đối với mọi cơ sở lưu trú du lịch.
Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh, theo đại diện Sở Du lịch thành phố, với số lượng rất lớn cơ sở lưu trú du lịch quy mô nhỏ chưa được thẩm định, xếp hạng hiện có, cùng với dự báo tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, công tác tổ chức kiểm tra điều kiện tối thiểu tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, để đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và vai trò quản lý địa bàn của UBND các quận, huyện tại địa bàn…
Giải pháp đồng bộ
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, trong những tháng cuối năm 2019, ngành Du lịch Thành phố tiếp tục tổ chức các lớp cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch theo Luật Du lịch năm 2017; bồi dưỡng chuyên đề dành cho công chức, viên chức và người lao động phụ trách công tác quản lý nhà nước về du lịch; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho Đội Trật tự viên thuộc lực lượng Thanh niên xung phong… Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh còn nghiên cứu xây dựng Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng.
Đề cập đến việc phối hợp với các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Võ Anh Tài, đại diện Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) khẳng định, để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, nhất là nhân lực du lịch ở TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp xúc tiến việc gặp gỡ, trao đổi với đại diện các cơ sở đào tạo, tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo có thể nghiên cứu, nắm bắt rõ hơn các yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cam kết thực hiện việc hợp tác sâu rộng giữa nhà trường - doanh nghiệp nhằm đào tạo và xây dựng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Đơn vị luôn tạo những cơ hội tốt nhất để tạo điều kiện cho nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc.
Đối với việc tăng cường quản lý các cơ sở lưu trú du lịch, theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các quận, huyện rà soát, vận động chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có tiềm năng tham gia hệ thống dịch vụ đạt chuẩn phục vụ du khách; kết nối các cơ sở đạt chuẩn vào các tour, tuyến du lịch. Sở chú trọng việc phối hợp với Phòng Kinh tế các quận, huyện để rà soát, lập danh sách các cơ sở lưu trú du lịch, tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và xử lý kịp thời các cơ sở lưu trú du lịch chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát điều kiện tối thiểu đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố…
Lực lượng Thanh tra du lịch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, trong đó chú trọng kiểm tra các doanh nghiệp lữ hành nội địa; hoạt động hành nghề hướng dẫn viên, đặc biệt là hướng dẫn viên nước ngoài, kiểm tra tại các tuyến, điểm du lịch, vận chuyển khách du lịch; kiểm tra chuyên đề các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh trên mạng. Lực lượng chức năng của ngành Du lịch Thành phố cũng phối hợp với Công an thành phố và UBND các Quận 1, 3, 5 để theo dõi, kiểm tra tại các khu vực tập trung nhiều khách du lịch quốc tế và thường xảy ra hiện tượng trộm cắp tài sản, “chèo kéo” khách du lịch nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.