Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại đến nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Trước tình hình đó, ngành Du lịch nhiều địa phương đang nỗ lực chung sức cùng các cấp chính quyền, người dân áp dụng các biện pháp chống dịch COVID-19; đồng thời triển khai các phương án sẵn sàng kích cầu du lịch khi có tình hình mới.
Ảnh hưởng từ dịch COVID-19
Tại Bình Thuận, từ tháng 2/2020, khi dịch COVID-19 lan rộng ra nhiều nước, hoạt động du lịch trên địa bàn trở nên khó khăn. Đặc biệt, từ ngày 10/3, khi Bình Thuận ghi nhận 9 trường hợp mắc COVID-19, ngành Du lịch của tỉnh đã khó càng thêm khó. Lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, lượng booking chững lại, nhiều khách hủy booking... là tình trạng chung mà nhiều resort, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn gặp phải.
Trong tháng 3/2020, Bình Thuận chỉ đón khoảng 330.500 lượt khách, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế khoảng .000 lượt, giảm 39,4%; khách nội địa khoảng 292.500 lượt, giảm 28,5%. Doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 772 tỉ đồng, giảm 37%.
Tại tỉnh Ninh Thuận, ước tính quý I/2020, toàn tỉnh đón khoảng 597.000 lượt khách, giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, khách quốc tế khoảng 15.300 lượt, giảm 66,4%; khách nội địa ước khoảng 581.700 lượt, giảm 30,6%. Doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 151 tỉ đồng, giảm 40,8%.
Ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, lượng khách du lịch trong những tháng đầu năm 2020 đến tỉnh giảm từ 50-80% so với cùng kỳ, số lượng hủy phòng tại các cơ sở lưu trú là 50-90% (khoảng hơn 13.000 phòng). Một số khách sạn công suất giảm còn 10-15% và chủ yếu phục vụ khách lẻ và khách online. Các điểm đến du lịch cũng giảm từ 50-70%.
Tại Tây Ninh, năm 2020 được dự đoán là năm bùng nổ của ngành Du lịch trong tỉnh, khi Tập đoàn Sun Group đã đưa vào hoạt động hệ thống nhà ga, cáp treo hiện đại, được Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness công nhận Ga Bà Đen là “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới”, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 2.000 tỉ đồng. Theo đó, lượng khách du lịch đã tăng mạnh dịp đầu năm 2020 (từ 5.000 - 30.000 người mỗi ngày). Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, lượng khách du lịch đến với Tây Ninh cũng đã giảm dần từ 20% đến 70%.
Chuẩn bị điều kiện tốt nhất để kích cầu du lịch khi hết dịch
Trước thực trạng trên, ngành Du lịch Ninh Thuận, cũng như các đơn vị lữ hành tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện kích cầu du lịch nhằm phục hồi và tăng trưởng sau khi hết dịch.
Ông Hồ Sĩ Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho hay: Việc dừng đón khách vào thời điểm này nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và người dân. Trong thời gian tạm dừng, Sở đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác các khu du lịch, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tiến hành vệ sinh, khử trùng khu vực đón tiếp, điểm tham quan, chỉnh trang cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo các điều kiện an toàn, chờ thông báo tiếp theo mới mở cửa trở lại.
Tỉnh Ninh Thuận đã sử dụng 3 khách sạn, resort (với tổng 70 phòng) làm khu cách ly tập trung có thu phí dành cho người dân, du khách hay các chuyên gia đến từ vùng dịch. Các cơ sở này chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận.
Ông Phan Thanh Cường, Giám đốc Khách sạn Sài Gòn - Ninh Chữ (tỉnh Ninh Thuận) cho biết: Để chia sẻ bớt khó khăn với cộng đồng, chúng tôi đăng ký 30 phòng làm nơi cách ly phòng chống dịch COVID-19. Khách sạn bảo đảm khu vực cách ly riêng theo đúng quy định của Bộ Y tế và phục vụ ăn uống cho người cách ly. Khách sạn đã phối hợp với ngành Y tế thực hiện phun thuốc khử trùng, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tăng cường phòng, chống dịch như: Trang bị khẩu trang, bố trí khu vực, nước rửa tay sát khuẩn, trang bị thiết bị đo thân nhiệt cho nhân viên và du khách...
Đảm bảo môi trường du lịch an toàn, đồng thời không gây hoang mang cho du khách, hầu hết các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đều cập nhật kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, dấu hiệu nhận biết và trang bị các kỹ năng phòng ngừa cho du khách, đội ngũ nhân viên.
Ngoài chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay miễn phí tại quầy lễ tân và đo thân nhiệt, khử khuẩn môi trường… các cơ sở du lịch đều hướng dẫn nhân viên và du khách thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc đối với khách du lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Việc kiểm tra thông tin khai báo như: Khách đi đến từ đâu, gặp gỡ ai, có vấn đề gì về sức khỏe không… được quan tâm và đặt lên hàng đầu để phát hiện và xử lý kịp thời nguy cơ lây nhiễm bệnh từ nước ngoài qua đường du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách và người lao động tại đơn vị.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, đại diện Victoria Resort (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho biết: Ngoài thường xuyên thông báo, cập nhật thông tin hằng ngày về diễn biến dịch bệnh, chúng tôi khuyến cáo nhân viên, du khách rửa tay thường xuyên; đeo khẩu trang ở nơi đông người; thực hiện khai báo y tế; đồng thời yêu cầu tất cả các nhân viên, du khách đều phải kiểm tra thân nhiệt thường xuyên.
Tại Bình Thuận, bên cạnh việc khẩn trương đưa 4 cơ sở lưu trú du lịch vào làm điểm cách ly phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rà soát, làm việc với các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh bổ sung thêm cơ sở lưu trú làm địa điểm cách ly đối với các trường hợp nghi mắc COVID-19, trong đó có ít nhất 2 cơ sở cách ly dành cho người nước ngoài.
Bài cuối: Tìm hướng đi mới