Quan hệ thương mại căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, tình hình ở Hong Kong (Trung Quốc) cùng với các chiến dịch quảng bá tích cực của các quốc gia Đông Nam Á đang tái định hình bản đồ du lịch châu Á.
Nhiều du khách Hàn Quốc và Trung Quốc từ bỏ các điểm đến ưa thích trước đó như Nhật Bản và Hong Kong để tìm đến các quốc gia Đông Nam Á.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong 6 tháng đầu năm 2019, số lượng du khách Hàn Quốc tới các nước Đông Nam Á đã tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong các kỳ nghỉ lễ sắp tới trong tháng này. Ví dụ, chỉ tính riêng trong tháng 6, số lượng du khách Hàn Quốc tới Malaysia đã tăng mạnh sau khi Kuala Lumpur tích cực quảng bá hình ảnh thông qua các hãng lữ hành và các phương tiện truyền thông, đồng thời mời những người có ảnh hưởng với giới trẻ tới nước này. Các hình ảnh và thông tin do những người có ảnh hưởng đăng tải trên mạng xã hội đã giúp thu hút những du khách trẻ tuổi.
Bài viết trên tờ Nikkei Asia Review cho biết cùng với Malaysia, cả Việt Nam và Philippines đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng 2 con số về số lượng du khách Hàn Quốc đến thăm.
Đối với Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu là do khoảng 150.000 người Hàn Quốc đang sống ở nước này, nơi có hai nhà máy lớn của Samsung Electronics - tập đoàn đang chiếm gần 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, khoảng cách gần gũi về địa lý là một yếu tố đóng góp vào sự tăng trưởng về số lượng du khách Hàn Quốc đến Việt Nam. Chuyến bay từ Seoul đến Đà Nẵng, một thành phố nghỉ dưỡng ở miền Trung Việt Nam, thường mất khoảng 4 tiếng rưỡi và điều này khiến Đà Nẵng trở nên thuận tiện hơn so với Phuket của Thái Lan hay Bali của Indonesia. Chính phủ Hàn Quốc dự định sẽ mở lãnh sự quán ở Đà Nẵng vào cuối năm nay để phục vụ các du khách tại đây.
Theo kết quả khảo sát của công ty thương mại điện tử Wemakeprice, Đà Nẵng vẫn là điểm đến được ưa chuộng nhất đối với các du khách Hàn Quốc trong các kỳ nghỉ lễ Chuseok của Hàn Quốc, tiếp theo là Bangkok (Thái Lan) và Guam. Các điểm đến ở Nhật Bản như Tokyo và Okinawa đã tụt hạng trên bảng xếp hạng này.
Trong nỗ lực thu hút khách du lịch, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) bắt đầu giảm giá 30% cho các du khách đến từ Đông Á tại các cửa hàng miễn thuế và khu mua sắm lớn. Chiến dịch giảm giá này sẽ kéo dài cho đến cuối tháng 10 năm nay.
Trong khi đó, trong 7 tháng đầu năm nay, số lượng du khách Hàn Quốc tới Nhật Bản đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng trong tháng 7, mức giảm đã lên tới 8%.
Vùng lãnh thổ Hong Kong và Đài Loan của Trung Quốc cũng đang mất dần vị thế trên bản đồ du lịch châu Á. Trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng du khách Trung Quốc tới các nước Đông Nam Á đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng du khách Trung Quốc đại lục tới Hong Kong lại giảm 31% vào đầu tháng 8. Trong khi đó, giới chức Đài Loan dự báo số lượng du khách Trung Quốc tới vùng lãnh thổ này sẽ giảm 400.000 lượt người trong nửa cuối của năm nay, ước tính thiệt hại kinh tế cho Đài Loan khoảng 630 triệu USD.
Các số liệu thống kê của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho thấy Hàn Quốc chiếm khoảng 5% số lượng du khách tới khu vực này và đứng thứ 3 trong số các thị trường du lịch ngoài ASEAN sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) cho biết các du khách Trung Quốc đã chi 277 tỷ USD cho các chuyến du lịch nước ngoài năm 2018- mức cao nhất thế giới. Hàn Quốc đứng thứ 2 ở châu Á và thứ 9 trên toàn thế giới với số tiền mà du khách nước này chi cho các chuyến du lịch nước ngoài là 32 tỷ USD.