Theo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, năm 2020 dự kiến là một năm phát triển rực rỡ của du lịch tỉnh Ninh Bình khi được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2020 với hàng loạt các sự kiện được tổ chức trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng khách đến với Ninh Bình giảm rõ rệt, trong 6 tháng đầu năm chỉ đón 1,5 triệu lượt khách, giảm 72% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch chỉ đạt 800 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ; gần 95% doanh nghiệp bị mất thị trường hoặc thu hẹp thị trường, 92% doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu trên 70%.
Những con số thống kê kể trên cho thấy những tháng đầu năm 2020 thực sự là thời gian khó khăn đối với ngành du lịch tỉnh Ninh Bình. Dự báo, trong thời gian tới, khả năng khai thác và phục hồi trở lại thị trường khách quốc tế còn rất khó khăn, do vậy trước mắt ngành du lịch tỉnh Ninh Bình tập trung khai thác thị trường khách nội địa, với nhiệm vụ từ nay đến cuối năm đón 2 triệu lượt khách, tổng doanh thu cả năm đạt 2.500 tỷ đồng.
Với mục tiêu đề ra như trên, nhiều ý kiến tham luận tại hội nghị đã tập trung làm rõ tiềm năng, thế mạnh của du lịch Ninh Bình, cũng như những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hiện nay trong hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Đa phần các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng sản phẩm du lịch Ninh Bình vẫn còn nghèo nàn, đa phần vẫn là các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng; hoạt động du lịch còn rời rạc, chưa tìm được điểm chung... Hầu hết các ý kiến cho rằng mặc dù đây là khoảng thời gian rất khó khăn của ngành du lịch, nhưng không nên giảm giá dịch vụ, thay vào đó phải tăng tính cạnh tranh bằng cách tăng chất lượng phục vụ du khách.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, cho rằng trong thời gian vừa qua doanh nghiệp đã vận dụng nhiều cơ chế, chính sách nhằm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch với mong muốn kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với nhau và với các tỉnh lân cận; đa dạng hóa các loại hình du lịch nhằm thu hút du khách... Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn thiếu các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc biệt là thiếu sản phẩm phục vụ du khách vào buổi tối. Ông Trường cho rằng trong thời gian tới cần tích cực quảng bá hình ảnh, thế mạnh của du lịch Ninh Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước.
Ông Hoàng Bình Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Ninh Bình, nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay hoạt động hết sức rời rạc, chưa có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, cần phải tìm ra điểm chung, cần có tiếng nói chung để cùng thúc đẩy phát triển. Bên cạnh đó, cần xem lại tình trạng hoạt động lữ hành tự do như hiện nay, cần nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, người hướng dẫn viên không chỉ cần hiểu tường tận về khu du lịch mình đang làm việc mà còn phải hiểu những khu du lịch khác trên địa bàn để quảng bá, giới thiệu cho du khách...
Để khắc phục những khó khăn trước mắt, hướng tới mục tiêu lâu dài, đa phần các đại biểu đều nhất trí về những giải pháp nhằm xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch trong thời gian tới như cần tập trung khai thác thị trường nội địa, chú trọng khách từ các thành phố lớn, mở rộng liên kết vùng, nhất là các vùng như Hà Nội, miền Trung, Tây Bắc...
Bên cạnh đó, tỉnh cần chuẩn bị tốt các điều kiện về sản phẩm, xúc tiến, quảng bá, thu hút, khai thác thị trường khách quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... khi thị trường khách quốc tế mở cửa trở lại, đây đều là các thị trường tiềm năng của du lịch Ninh Bình.
Ngành du lịch tỉnh Ninh Bình cũng sẽ tập trung tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội; tích cực tham gia các hoạt động trong chương trình, sự kiện do Tổng cục Du lịch tổ chức; các hội chợ du lịch trong nước, các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch; tổ chức mời các hãng lữ hành, các đoàn phóng viên tới Ninh Bình để khảo sát và tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác phát triển du lịch; đa dạng hóa các loại hình du lịch như: bay trải nghiệm bằng trực thăng ngắm cảnh Tràng An, chèo thuyền kayak, trekking tour, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm.
Ngành du lịch tỉnh cũng sẽ thiết kế, xuất bản, sản xuất các ấn phẩm, vật phẩm, quà tặng đa dạng, phong phú phù hợp với nhu cầu thị hiếu của từng phân khúc thị trường khách du lịch.
Cùng với đó, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình sẽ vận động các doanh nghiệp đăng ký các chương trình ưu đãi nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ, kích cầu nhằm thu hút khách du lịch đến với Ninh Bình; tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ du lịch cho cán bộ, nhân viên, người lao động của các đơn vị kinh doanh du lịch...