Hội thảo là cơ hội để tỉnh Ninh Bình gặp gỡ, chia sẻ, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh, là dịp để ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình đánh giá lại thực trạng và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu về các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch trong thời gian tới.
Các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ các điểm mạnh cũng như những tồn tại, hạn chế của du lịch tỉnh Ninh Bình. Trong đó nhiều ý kiến có giá trị thực tiễn, gắn với đặc thù của du lịch địa phương như: Tăng cường ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam và tỉnh Ninh Bình; những kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá sản phẩm du lịch của nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; giải pháp khôi phục thị trường khách du lịch nội địa sau đại dịch COVID-19; xu hướng, nhu cầu thị hiếu của du khách sau đại dịch COVID-19; nêu cao vai trò của Hiệp hội Du lịch trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xúc tiến, xây dựng sản phẩm du lịch...
Ông Douglas Hainsworth, Trưởng nhóm chuyên gia chương trình du lịch bền vững Thụy Sỹ cho rằng, quá trình xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch bền vững phải tiến hành theo nhiều bước, trong đó đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm cần chỉ ra các thế mạnh chiến lược, điểm yếu và các chủ thể chính cần xây dựng và quảng bá. Bên cạnh đó, xác định các thị trường khách chính phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và hỗ trợ các mục tiêu phát triển của địa phương; xây dựng các sản phẩm cho các thị trường chính cần phù hợp với nhu cầu thị trường; xác định vai trò quan trọng của Marketing chiến lược trong việc quảng bá hiệu quả đến các thị trường chính.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nhấn mạnh việc địa phương cần tạo ra các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu mới, quá trình này sẽ được diễn ra ở nhiều hoạt động khác nhau và sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu du lịch đã thay đổi. Đơn cử như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã buộc hoạt động xây dựng sản phẩm thay đổi, không như cách truyền thống từng làm; Ninh Bình cũng cần nghiên cứu việc liên kết doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm, vì đây là một trong nhiều giải pháp hữu hiệu.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn cho rằng, với những tiềm năng, thế mạnh hiện có, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt 12%/năm; doanh thu tăng bình quân 23,6%/năm. Du lịch tỉnh Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh, thành phố có lượng khách đến cao nhất cả nước), được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, hiếu khách và được yêu thích nhất.
Trước những cơ hội, thách thức đan xen, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của khu vực và cả nước, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình phát triển du lịch, như: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 07/NQ-TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định mục tiêu, định hướng chiến lược chuyển đổi phát triển du lịch từ chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện môi trường và có chất lượng cao; sớm đưa ngành Du lịch phát triển cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội; Phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng, có sức cạnh tranh và mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư; xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.
Để thực hiện mục tiêu, định hướng trên, tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, trong đó tập trung vào công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tiến tới hình thành các khu du lịch quốc gia Tràng An và Kênh Gà - Vân Trình; xây dựng các cơ chế, chính sách thông thoáng hỗ trợ phát triển du lịch; Nâng cấp và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, có chất lượng cao, mang hàm lượng văn hóa; Đổi mới phương pháp xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương hiệu; Tổ chức cơ cấu lại nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thực hiện bồi dưỡng nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển…
Các ý kiến tham luận tại hội thảo sẽ được ngành du lịch tỉnh Ninh Bình tiếp thu, triển khai thành kế hoạch cụ thể để thời gian tới nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, bắt kịp với xu thế của thế giới, khu vực.