Tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, có diện tích đất liền và mặt biển hơn 12.000 km2 với dân số khoảng 1,2 triệu người, nằm cách Hà Nội 130 km theo trục đường cao tốc. Hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, tài nguyên và cảnh quan của đất nước Việt Nam nên Quảng Ninh được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”.
Cụ thể, Quảng Ninh có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc; là cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động nhất của Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN; có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á.
Vùng biển và hải đảo của Quảng Ninh là một vùng địa hình độc đáo với hơn 2.000 hòn đảo trải dài theo đường ven biển 250 km. Đặc biệt, Quảng Ninh có vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (tháng 12/1994, được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mỹ; tháng 12/2000 được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất, địa mạo) và được bình chọn là một trong bảy "Kỳ quan thiên nhiên mới” (tháng 11/2011). Vịnh Hạ Long bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa được đặt tên, với tổng diện tích 1.553km².
Quảng Ninh được Trung ương xác định là một trong ba cực tăng trưởng của tam giác kinh tế vùng trọng điểm Bắc Bộ gồm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, Quảng Ninh luôn được đánh giá là địa phương có những bước phát triển mạnh mẽ với tư duy sáng tạo và đột phá ở Việt Nam, đặc biệt là luôn đi tiên phong trong lĩnh vực cải cách hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho hay, trong 5 năm gần đây, ngoài nguồn lực từ ngân sách, tỉnh đã thu hút được nguồn lực lớn từ xã hội tham gia vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Năm 2018, Quảng Ninh khánh thành đưa vào sử dụng một số công trình chiến lược, có tính động lực lan tỏa cao như: Dự án cầu Bạch Đằng, dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (hợp đồng BOT); dự án đường dẫn cầu Bắc Luân II (BT); cảng khách quốc tế Hạ Long...
Đến nay, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương của Việt Nam có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, hệ thống đường cao tốc đồng bộ, kết nối toàn tuyến từ Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn và đang triển khai từ Vân Đồn đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái giáp với Trung Quốc; cảng container quốc tế Cái Lân hiện đại, sâu nhất miền Bắc Việt Nam có khả năng đón tàu trọng tải hơn 50.000 tấn; cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và cảng tàu khách quốc tế Hạ Long tiếp nhận các du thuyền quốc tế hạng siêu sang...
Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội của tỉnh được xây dựng đồng bộ với hệ thống bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng và khách sạn đẳng cấp quốc tế, đảm bảo tiện ích cuộc sống, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch khi đến với Quảng Ninh.
Ngoài ra, Quảng Ninh đã được Chính phủ Việt Nam cho phép xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành một khu kinh tế hướng ngoại, độ mở cao, bộ máy quản lý tinh gọn, thủ tục hành chính thông thoáng với những cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, có sức cạnh tranh quốc tế và hấp dẫn mạnh mẽ các nhà đầu tư.
Đến thăm vịnh Hạ Long, ông Mustafa Ozkaya, Phó Tổng giám đốc Hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) cho hay: Tôi rất hạnh phúc khi được tham quan cảnh đẹp hùng vĩ của vịnh Hạ Long, nơi có cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ với biển, núi và được đón tiếp nồng hậu bởi những người dân nơi đây. Họ nhiệt tình giới thiệu về cảnh quan vịnh Hạ Long. Đây là một trong số những nơi đẹp nhất mà tôi từng ghé thăm. Vịnh Hạ Long là một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho Quảng Ninh. Chúng tôi sẽ giới thiệu về vịnh Hạ Long tới người dân Thổ Nhĩ Kỳ để biết tới kỳ quan di sản thiên nhiên này.
Ngay sau khi tiếp kiến và lắng nghe Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giới thiệu về tiềm năng thế mạnh của Quảng Ninh, Tổng Thư ký OANA Vugar Seidov cho rằng: Quảng Ninh cần đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh về Di sản thiên nhiên thế giới của mình tới các hãng thông tấn cũng như tới người dân các quốc gia. Theo ông Seidov VuGar, quảng bá hình ảnh là biện pháp tốt nhất để quảng bá du lịch, còn nhà báo là công cụ tốt nhất để thực hiện việc quảng bá đó.
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả quản lý nhà nước, Quảng Ninh đang tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý dịch vụ du lịch nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh. Thương hiệu địa phương được triển khai tích cực, bước đầu đã xây dựng được thương hiệu hình ảnh du lịch nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Năm 2018, khách du lịch đến Quảng Ninh đạt khoảng 12 triệu lượt (trong đó 43% là khách quốc tế), doanh thu từ du lịch đạt 24 ngàn tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, hướng tới phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước, một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.