Tây Bắc - Tây Nguyên - Tây Nam Bộ là ba vùng chiến lược trọng điểm của đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển thế mạnh của từng vùng, giúp các vùng này vươn lên trở thành những điểm sáng về kinh tế, xã hội.
Tạo sức bật cho du lịch Tây Bắc
Vùng Tây Bắc có tiềm năng du lịch rất lớn nhưng chưa được đầu tư và khai thác có hiệu quả. Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương là một trong những giải pháp hữu hiệu, tạo sức bật cho ngành du lịch vùng Tây Bắc phát triển.Đầu tư hạ tầng giao thông Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc còn nhiều yếu kém, đặc biệt vùng có địa hình hiểm trở, nhiều núi cao, bị chia cắt, giao thông đi lại hết sức khó khăn nên tiềm năng, lợi thế của vùng chưa khai thác hiệu quả, trong đó có du lịch.
Vùng Tây Bắc có thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch cộng đồng..., là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Việt Hoàng
|
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), giao thông vùng Tây Bắc chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nên việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đang là nhu cầu hết sức cấp bách. Nhiều xã trong vùng Tây Bắc vẫn chưa có đường giao thông đến trung tâm, tỷ lệ rải nhựa mặt đường các tuyến đường còn thấp. Về đường hàng không, có hai sân bay là Nà Sản (Sơn La) và Mường Thanh (Điện Biên) nhưng đều hạn hẹp, một sân bay đã dừng hoạt động. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Trong những năm qua, được Chính phủ quan tâm đầu tư và chỉ đạo quyết liệt nên hầu hết các tuyến đường huyết mạch cũng như những công trình trọng điểm trên địa bàn Tây Bắc đã và đang được xây dựng. Cơ sở hạ tầng GTVT bước đầu được cải thiện đáng kể so với trước đây, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, trong đó có du lịch, nhằm nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong vùng”.
Cuối tháng 9/2014, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, một trong những tuyến đường giao thông trọng điểm của khu vực Tây Bắc đã được đưa vào sử dụng. Tuyến đường cao tốc này có chiều dài 245 km, đi qua 5 tỉnh và thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, kết nối các tỉnh đồng bằng với khu vực Tây Bắc. Phát biểu trong lễ cắt băng khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Con đường này không chỉ đặc biệt quan trọng đối với các tỉnh đi qua, mà còn có ý nghĩa với cả vùng Tây Bắc và cả nước, kết nối các dự án giao thông, phát huy hiệu quả cao, khai thác tiềm năng, lợi thế các địa phương, cả về nông nghiệp, công nghiệp và du lịch”.
Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: “Cao tốc Nội Bài - Lào Cai giúp khu vực Tây Bắc nói chung, Lào Cai nói riêng mở ra tiềm năng phát triển du lịch. Khách du lịch sẽ tiết kiệm được thời gian khoảng gần bốn giờ so với phải đi tuyến đường quốc lộ 70 cũ, trước đây quốc lộ này hẹp, nên mỗi khi tắc đường phải chờ cả ngày mới đi được. Đồng thời, tuyến đường mới đang xây dựng từ Lào Cai lên Sa Pa hoàn thành, sẽ tạo thuận lợi cho du khách đến với điểm du lịch hấp dẫn này. Đặc biệt, khi tuyến cáp treo nối lên đỉnh Fansipan hoạt động vào khoảng quý I/2015, sẽ hứu hẹn “bùng nổ” du lịch cho Sa Pa và Lào Cai. Từ Sa Pa du khách sẽ tiếp tục lộ trình đi khám phá các điểm du lịch hấp dẫn của các tỉnh khác trong vùng, đồng thời du khách từ các tỉnh khác cũng sẽ đến với Sa Pa nhiều hơn”. Nhờ rút ngắn khoảng cách, thuận tiện hơn trong đi lại nên số người tới điểm du lịch Sa Pa (Lào Cai) nói riêng và khu vực Tây Bắc đã tăng đáng kể. Theo thống kê, du lịch Sa Pa đã tăng trưởng hơn 40% so với trước, lượng khách đến Sa Pa là 2.000 - 3.000 người/ngày thường, con số này tăng lên tới 12.000 - 15.000 lượt hành khách/ngày cuối tuần.
Bộ GTVT cho biết sẽ tập trung xây dựng và nâng cấp các hệ thống giao thông đường bộ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, Hòa Lạc - Hòa Bình, Hà Nội - Lạng Sơn và một số tuyến đường kết nối các tỉnh với tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương vùng Tây Bắc với thủ đô Hà Nội, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong vùng. Về hệ thống quốc lộ, sẽ đầu tư và cải tạo các cầu yếu, kiên cố hóa các điểm sạt lở nghiêm trọng, tạo tâm lý yên tâm cho người dân. Việc hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ sẽ tạo cho Tây Bắc diện mạo mới, từ đó thu hút khách du lịch đến với miền đất này.
Đẩy mạnh liên kết vùngLiên kết phát triển du lịch là một trong những cách để khai thác tối đa tiềm năng du lịch của vùng, vì vậy những năm gần đây các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động liên kết phát triển giữa từng địa phương, giữa các địa phương trong khu vực.
Thông tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng của các tỉnh Tây Bắc. Ảnh: Việt Hoàng |
Từ năm 2006, ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ đã liên kết xây dựng tuyến du lịch về cội nguồn. Nhiều địa danh du lịch, sản phẩm du lịch của ba tỉnh đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, góp phần quảng bá và nâng cao nhận thức về việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, tôn vinh các di lích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh của mỗi địa phương. Năm 2008, chương trình “Du lịch về cội nguồn” của ba tỉnh đã được phát triển thành chương trình liên kết hợp tác tám tỉnh Tây Bắc mở rộng (gồm các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ), đây cũng là một trong những nhóm hợp tác trong lĩnh vực du lịch đầu tiên ở vùng Tây Bắc.
“Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương xây dựng Đề án phát triển du lịch vùng Tây Bắc. Đề án là cơ sở để triển khai các nội dung liên kết và hợp tác giữa các tỉnh trong vùng, chỉ ra được những sản phẩm du lịch mang bản sắc và các hoạt động xúc tiến quảng bá để hợp tác đầu tư phát triển. Các tỉnh sẽ thống nhất xác định các điểm ưu tiên phát triển để tạo sức lan tỏa trong toàn khu vực”, ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc khẳng định. |
Ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc đánh giá về hợp tác du lịch của tám tỉnh trong vùng: “Chương trình hợp tác phát triển du lịch khu vực tám tỉnh Tây Bắc đã đạt được những kết quả quan trọng, đã hình thành được khung chương trình hành động phát triển du lịch của khu vực giai đoạn 2010 - 2015, trong đó tập trung cho các hoạt động hợp tác có chiều sâu như hợp tác về cơ chế, chính sách, phát triển sản phẩm du lịch và đào tạo nhân lực. Đồng thời, tám tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút khách du lịch và quảng bá rộng rãi về văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh của vùng Tây Bắc. Trong những năm gần đây các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc đã có sự tăng trưởng về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa, tổng thu từ du lịch không ngừng tăng lên, cơ sở hạ tầng du lịch phát triển mạnh mẽ... góp phần khai thác tối đa lợi thế phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch nội địa vùng và liên kết độc đáo, có sức hút của vùng Tây Bắc”. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tính riêng năm 2013, tám tỉnh Tây Bắc mở rộng đã đón 11,7 triệu lượt khách, tăng 12,2% so với năm trước, tổng thu từ du lịch đạt trên 6.000 tỷ đồng (tăng khoảng 40% so với năm trước).
Ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: “Sơn La là tỉnh có thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng, đặc biệt vừa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu du lịch quốc gia Mộc Châu sẽ là lợi thế để tỉnh phát triển kinh tế du lịch và dịch vụ, tăng nguồn thu, tạo việc làm cho người dân”. Tuy nhiên, theo ông Hải, để phát huy hết tiềm năng về du lịch của các tỉnh trong vùng Tây Bắc, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân thì Chính phủ cần hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt quan tâm xây dựng hệ thống giao thông liên kết giữa các địa phương. Đồng thời, các tỉnh trong vùng Tây Bắc cần đẩy mạnh các hoạt động quảng bá về du lịch hơn nữa, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư và khai thác.
Hữu Vinh - Việt Hoàng