Phát huy tiềm năng du lịch Hà Tiên - Bài 2: Nghe đờn ca và ngắm trăng lên trên đầm Đông Hồ

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang xác định du lịch là ngành kinh tế động lực, mũi nhọn tạo sức bật cho nhiều ngành nghề khác cùng phát triển.

Trong đó, du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ với nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội đang được thị xã đầu tư phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

Lợi thế tiềm năng

Đầm Đông Hồ thuộc phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) có diện tích tự nhiên hơn 1.4 ha, trong đó diện tích mặt nước trên 900 ha, là một trong những đầm nước tự nhiên lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cảnh quan thiên nhiên đầm Đông Hồ tươi đẹp, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ. Từ xa xưa, đầm Đông Hồ là 1 trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên được Mạc Thiên Tích nhắc đến trong bài thơ “Đông Hồ ấn nguyệt”.

Đầm Đông Hồ - Hà Tiên.

Đầm Đông Hồ có nguồn thủy sản phong phú với nhiều loài tôm, cua, cá, ghẹ…. Về thực vật tại hồ đã ghi nhận có 322 loài, đặc biệt có một số loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam và danh mục Đỏ thế giới như: thiên tuế, thu hải đường, điểu bế, bạc thau, bình vôi… Đầm còn có rừng dừa nước hơn 300 ha. Du khách đến tham quan đầm Đông Hồ có thể mua nhiều  sản phẩm được làm bằng lá, thân và bông dừa nước, thưởng thức những món ăn chế biến từ trái dừa nước.

Ở khu vực đầm Đông Hồ có ít nhất 155 loài động vật, trong đó khoảng trên 30 loài thú với một số loài quý hiếm như voọc bạc Đông Dương, sóc đồi… Tại khu vực đầm còn ghi nhận 114 loài chim với nhiều loài chim quý hiếm như: Gầm ghì lưng nâu, cú muỗi Á Châu, chim hút mật họng hồng, chim sẻ khoang cổ…

Ông Phạm Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hà Tiên chia sẻ: “Chính  từ điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường thiên nhiên với những giá trị nguyên sơ của đầm mà Hà Tiên tập trung đầu tư phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ. Đây là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa với mục tiêu bảo vệ môi trường. Loại hình du lịch này tạo cơ hội cho du khách được tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hóa, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của cộng đồng cư dân đầm Đông Hồ".

Theo đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ đến năm 2020, ngành Du lịch Hà Tiên đầu tư khai thác loại hình du lịch trên đầm về đêm. Đến đầm, du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh đẹp nhìn bóng trăng in xuống mặt hồ và thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Đầm Đông Hồ thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang sẽ thu hút khách du lịch đến tìm hiểu, thăm quan vườn chim, đi xuồng trên mặt đầm.

Tiếp đến,  tại rừng dừa nước sẽ xây dựng các điểm dừng chân cho du khách ăn uống, mua sắm quà lưu niệm, tự bơi xuồng len lỏi bên trong rừng dừa, hít thở không khí trong lành, thưởng ngoạn vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ ,... Khu vực nuôi trồng thủy sản diện tích gần 100 ha sẽ được tổ chức cho khách vào tham quan, trải nghiệm đánh bắt thủy sản và thưởng thức các món ăn chế biến từ thủy sản tươi sống..

Đón đầu phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ, Công ty TNHH Một thành viên Lâm Cường (Hà Tiên - Kiên Giang) đang đồng hành phát triển mô hình du lịch này. Ông Trần Bửu Trung, Quản lý Công ty TNHH Một thành viên Lâm Cường cho biết: Trên diện tích 300 ha của công ty thuộc khu vực đầm, công ty đã trồng các loại cây ăn trái như: mít, dừa, xoài, sa bô, ổi, mận...; dưới ao nuôi nhiều loại cá đồng, cá nước ngọt, tôm, cua… để có  sản phẩm tươi ngon phục vụ khách du lịch.

Khuôn viên khu du lịch được trồng các loại cây xanh, hoa kiểng như: lộc vừng, mai vàng, phượng vĩ… tạo cảnh quan tươi đẹp. Cùng với đó, công ty còn quan tâm bảo tồn vườn chim cò tự nhiên với nhiều loài quý hiếm, xây dựng cơ ngơi khang trang đáp ứng nhu cầu thăm quan, du lịch của du khách. Tổng mức đầu tư đến nay hơn 150 tỷ đồng và hiện công ty đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ khu du lịch.

Đầu tư phát triển du lịch đầm Đông Hồ

Theo UBND thị xã Hà Tiên, kết quả khảo sát thực tế cộng đồng cư dân sinh sống khu vực đầm Đông Hồ cho thấy có khoảng 40 hộ dân đủ điều kiện tham gia phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Những hộ này đủ khả năng thực hiện các loại hình phục vụ khách du lịch như: Tổ chức tham quan, trải nghiệm nuôi trồng và thưởng thức thủy sản; xây dựng điểm dừng chân, cho du khách tự bơi xuồng thăm quan rừng dừa nước, ăn uống, thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử và ngắm trăng lên, soi bóng trên mặt nước đầm; tổ chức tham quan cảnh quan thiên nhiên, vườn chim đầm Đông Hồ và cho du khách trải nghiệm, tìm hiểu nghề chằm lá dừa nước truyền thống, phục vụ món ăn, nước uống chế biến từ trái dừa nước…

Ông Phạm Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hà Tiên cho biết tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước và xã hội hóa. Hà Tiên phấn đấu đến cuối năm 2018 xây dựng hoàn thành mô hình du lịch này đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch và mở rộng không gian du lịch Hà Tiên.

Hà Tiên cũng xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng, xây dựng một số tuyến giao thông trọng yếu quanh khu vực đầm Đông Hồ; đầu tư bến tàu, bến thuyền ở những điểm thăm quan, mua sắm phương tiện thủy đưa đón du khách, xây dựng một số điểm mua sắm, nhà trưng bày; hỗ trợ hộ dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng.

Hà Tiên  cũng tổ chức đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ trực tiếp làm du lịch cộng đồng; tập huấn nghiệp vụ quản lý và kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức quản lý, hướng dẫn phong cách phục vụ du khách cho những hộ dân tham gia hoạt động, phát triển du lịch cộng đồng; tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng đón tiếp và phục vụ ăn uống; kiến thức, kỹ năng thuyết minh du lịch; bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ giao tiếp cơ bản, về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho du khách… Địa phương cũng tăng cường quảng bá giới thiệ sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ; liên kết, tổ chức các tour thử nghiệm cho các đơn vị lữ hành.

Thị xã Hà Tiên thành lập Ban quản lý Du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ; xây dựng nội quy, quy chế hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng tại địa phương. Thị xã đặt mục tiêu xây dựng, phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng đầm Đông Hồ thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng, góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của địa phương; bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển du lịch Hà Tiên bền vững và hiệu quả - ông Phạm Văn Xuân nhấn mạnh.

bài và ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Phát huy tiềm năng du lịch Hà Tiên, Kiên Giang - Bài 1: Đột phá để phát triển
Phát huy tiềm năng du lịch Hà Tiên, Kiên Giang - Bài 1: Đột phá để phát triển

Nhắc đến du lịch tỉnh Kiên Giang, du khách nghĩ ngay tới hai điểm du lịch nổi tiếng là Hà Tiên và Phú Quốc. Thế nhưng, trong khi du lịch Phú Quốc đang phát triển mạnh thì ở Hà Tiên tiềm năng du lịch lại chưa được phát huy mạnh mẽ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN