Phát triển du lịch nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ cho nhiều người dân ở các địa phương. Vấn đề đặt ra là làm sao để mô hình du lịch này không chỉ có hiệu quả kinh tế trước mắt mà sẽ tồn tại và phát triển lâu dài trong cộng đồng địa phương.
PHÁT TRIỂN CHUỖI CUNG ỨNG DU LỊCH NÔNG NGHIỆP
Mở rộng mạng lưới du lịch nông dân
Theo các chuyên gia, giai đoạn tiếp theo của các dự án du lịch nông dân nên hướng đến việc phát triển một chuỗi cung ứng du lịch nông nghiệp hoàn thiện và giàu khả năng liên kết với sự tham gia nhiều hơn của người nông dân.
Cơ sở đầu tiên cho việc phát triển mô hình kinh tế cộng đồng trong du lịch nông nghiệp là mỗi một điểm du lịch phải nhận diện được toàn bộ chuỗi cung ứng du lịch. Từ khâu quảng bá, tiếp thị cho đến việc cung ứng nguyên liệu thực phẩm, vật dụng hay các dịch vụ dựa trên nhân công như chèo thuyền, phục vụ ăn uống… Từ đó phân tích trong chuỗi này cần bao nhiêu nhân lực để có thể đáp ứng các yêu cầu trên của chuỗi. Có như vậy, các điểm du lịch có thể thu hút được nhiều người tham gia. Thu nhập bình quân của mỗi người tham gia vẫn được bảo đảm, có thêm dịch vụ cung ứng cho khách du lịch.
Du khách tham gia hoạt động tát mương bắt cá. Ảnh: TTXVN |
Theo ông Tôn Thất Đính, nếu xây dựng được chuỗi cung ứng dịch vụ như trên thì mỗi khi có đoàn khách đến nhiều người trong xã cũng được hưởng lợi từ việc cung ứng các dịch vụ vận chuyển, cung cấp thực phẩm và sản vật, biểu diễn nghệ thuật dân gian như đờn ca tài tử hay cung cấp dịch vụ liên quan đến sức khỏe như xông hơi kiểu dân gian với lá thuốc…
Cơ sở thứ hai cho việc phát triển mô hình kinh tế cộng đồng trong du lịch nông nghiệp là việc liên kết dịch vụ giữa các cụm địa phương. Các dự án phát triển du lịch nông nghiệp ở An Giang và Đồng Nai vẫn rơi vào tình trạng mỗi điểm du lịch là một tour du lịch khép kín. Các điểm du lịch giữa các xã chưa kết nối với nhau. Do vậy, trong thời gian tới để hoàn thiện mạng lưới du lịch nông nghiệp các điểm du lịch trong cùng một địa phương phải liên kết được với nhau trong một số dịch vụ cung ứng. “Chẳng hạn, với một sản phẩm cụ thể như đường thốt nốt hay bánh đa đặc sản có thể được quảng bá và phân phối ở các địa điểm khác nhau trong toàn mạng lưới vừa tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng của dự án, vừa hỗ trợ các hộ nông dân mở rộng cơ hội kinh doanh và nâng cao hiệu suất bán hàng” – Tiến sĩ Phạm Thị Thúy Nguyệt, giảng viên, chuyên nghiên cứu về du lịch An Giang thuộc trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.
Nâng cao năng lực cho người nông dân
Mô hình du lịch nông nghiệp ở Đồng Nai, An Giang sẽ không bền vững nếu quá phụ thuộc vào các công ty du lịch. Vì vậy, để phát triển được mô hình du lịch nông nghiệp lâu dài quan trọng nhất vẫn là nâng cao năng lực của người nông dân. Chỉ khi nào người nông dân tự “kiếm” được khách du lịch để tránh bị phụ thuộc vào nguồn khách do các công ty du lịch đưa đến cũng như tự chủ trong việc tổ chức tour du lịch cho khách du lịch thì lúc đó mô hình du lịch nông nghiệp này mới phát triển lâu dài được.
Ông Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường – Vườn Quốc Gia Cát Tiên tỉnh Đồng Nai thuộc Ban quản lý dự án cho biết: Mục tiêu trước mắt của dự án phát triển du lịch Tà Lài, Đắk Lua vẫn là giúp bà con nông dân làm quen với kinh doanh du lịch. Sắp tới chính quyền địa phương cùng với Ban quản lý sẽ liên tục mở các khóa học về cách lập kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng du lịch và các lớp ngoại ngữ nhằm nâng cao nghiệp vụ du lịch cho bà con nông dân. Trong thời gian tới, bà con ở đây sẽ chuyên nghiệp hơn trong việc tổ chức và có đủ khả năng về ngoại ngữ để giới thiệu “cái hay, cái đẹp” của địa phương mình cho khách quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Ban kinh tế, Hội Nông dân tỉnh An Giang cho biết: Cuối năm 2014, Hội nông dân tỉnh đã thành lập Trung tâm Du lịch Nông dân An Giang. Nhân sự trong trung tâm du lịch này không ai khác chính là các nông dân tiêu biểu có trình độ chuyên môn về du lịch và có năng lực quản lý. Đây sẽ là đơn vị đứng ra tư vấn và thực hiện việc xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cũng như kết nối dịch vụ du lịch giữa các xã trong tỉnh.
Dựa trên những kết quả mà các dự án quốc tế đã tạo ra, trong giai đoạn tới ngành du lịch các tỉnh cần có những điều chỉnh và đưa ra chiến lược phát triển mô hình du lịch nông nghiệp phù hợp với điều kiện của mình. Có như vậy mô hình du lịch nông nghiệp này mới tồn tại và phát triển lâu dài trong cộng đồng người nông dân mỗi địa phương.