Tại hội nghị, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh cùng các cơ quan quản lý Nhà nước đã trao đổi, đề xuất các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; các ý tưởng, giải pháp và định hướng phục hồi du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế trong trạng thái bình thường mới.
Hội nghị là dịp để tỉnh Thừa Thiên - Huế quảng bá rộng rãi hình ảnh, điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn cùng chương trình kích cầu du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế liên kết với các tỉnh, thành miền Trung, góp phần thúc đẩy, phục hồi ngành du lịch Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: Du lịch, dịch vụ du lịch tại Thừa Thiên – Huế nói riêng và Việt Nam nói chung đã “thấm đòn” của dịch COVID-19. Các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch tỉnh giảm từ 65 – 75%. Thừa Thiên – Huế xác định du lịch dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung xây dựng những thương hiệu lớn như Huế - kinh đô ẩm thực, Huế - kinh đô áo dài… tạo điểm nhấn cho du lịch, phát triển du lịch thông minh; thực hiện chuyển đổi số trong các ngành liên quan; thực hiện nhiều giải pháp kích cầu du lịch.
Địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp để đón đầu tình hình mới, sẵn sàng khi du lịch nội địa phát triển trở lại, cùng với việc mở cửa các sân bay quốc tế để đón du khách nước ngoài, trong đó trạng thái mới trong du lịch cần có sự đồng bộ tầm quốc gia và địa phương.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, dịch COVID-19 như cơn sóng thần càn quét ngành du lịch; khả năng và lộ trình hồi phục đến nay chưa thực sự rõ ràng. Thời gian tới, Thừa Thiên - Huế cần chủ động đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong cả nước, hình thành và triển khai liên minh kích cầu, quảng bá hình ảnh điểm đến. Tỉnh xem xét có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp; điều phối, kêu gọi sự liên kết, hợp tác hiệu quả hơn giữa các điểm đến, các doanh nghiệp du lịch và hàng không để hình thành các sản phẩm mới, chương trình kích cầu phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển hoạt động kinh tế đêm.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; nghiên cứu khả năng xây dựng “sàn giao dịch du lịch trực tuyến”. Lãnh đạo tỉnh tiếp tục tạo diễn đàn, hình thành cơ chế kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đối tác hiến kế và đóng góp, tham gia chiến dịch thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong tình hình mới và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết: Để xây dựng Thừa Thiên – Huế thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn, ngành du lịch đang triển khai các giải pháp liên quan đến chất lượng của dịch vụ lưu trú, vận chuyển, lữ hành; triển khai các gói kích cầu du lịch khi khách đến với Huế ngay trong mùa hè này. Tiếp tục đổi mới sản phẩm du lịch, bên cạnh sản phẩm văn hóa di sản truyền thống, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đang xây dựng các gói du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng dựa vào sinh thái, đầm phá, hội nghị, nghỉ dưỡng.
Bên lề hội nghị có nhiều chương trình khảo sát, trải nghiệm sản phẩm du lịch Thừa Thiên - Huế hấp dẫn như mặc trang phục áo dài ngũ thân và tham quan những tuyến đường đẹp của Huế bằng xích lô; tham quan, trải nghiệm không gian kiến trúc cảnh quan và sinh thái tại: Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng và khu ANhill Boutique; ngắm bình minh sông Hương và cảnh quan hai bên bờ...