Huy động các nguồn lực
Theo quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nơi đây sẽ là khu du lịch cấp quốc gia trọng điểm vùng trung du và miền núi phía Bắc, có sản phẩm du lịch đặc trưng, văn hóa các dân tộc và hệ sinh thái hồ Hòa Bình, với các loại hình du lịch đa dạng. Khu du lịch được chia thành 6 phân khu, trong đó phân khu du lịch vịnh Ngòi Hoa - Thung Nai - Suối Hoa thuộc các huyện Tân Lạc, Cao Phong là khu trung tâm dịch vụ du lịch. Quy hoạch chung cũng định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, các dự án ưu tiên đầu tư vào khu du lịch.
Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 22/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030, nơi đây trở thành khu du lịch quốc gia có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Hòa Bình, là một trong 12 khu du lịch trọng tâm của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ Hòa Bình.
Với diện tích 52.200 ha trải dài qua các huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Mai Châu và thành phố Hòa Bình, hồ Hòa Bình có cảnh quan sơn thủy hữu tình, thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, được kết hợp bởi dãy núi xanh biếc, hàng chục đảo lớn, nhỏ nhấp nhô giữa làn nước trong xanh, được ví như một "Vịnh Hạ Long trên cạn”. Nơi đây còn có nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh. Các điểm đến hấp dẫn như Đền bà Chúa Thác Bờ, động Thác Bờ, động Hoa Tiên, vịnh Ngòi Hoa, đảo Dừa, đảo Ngọc... cùng những bản làng của đồng bào dân tộc Mường, Dao yên bình, mang sắc thái văn hóa đặc trưng vùng hồ sông Đà.
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đã huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật khu du lịch, đặc biệt về hạ tầng giao thông. Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình nối Đại lộ Thăng Long với thành phố Hòa Bình được đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hòa Bình. Tuyến đường tỉnh 435 từ thành phố Hòa Bình lên cảng Thung Nai (Cao Phong) được mở rộng và nâng cấp; một số tuyến đường kết nối các điểm trong Khu du lịch cùng hệ thống điện lưới, sóng viễn thông tại các khu, điểm du lịch được chú trọng đầu tư, mở ra cơ hội cho hồ Hòa Bình thu hút khách, đồng thời thu hút dòng vốn đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và các sản phẩm du lịch.
Trong 5 điều kiện để được công nhận khu du lịch quốc gia, hồ Hòa Bình đã đạt 3 điều kiện gồm: có ít nhất 2 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch cấp quốc gia; có trong danh mục các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia.
Hòa Bình đang phấn đấu hoàn thiện, hoàn thành trong thời gian sớm nhất 2 điều kiện còn lại gồm: có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường,
Nghị quyết đi vào cuộc sống
Qua thực hiện Nghị quyết của tỉnh, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ. Công tác thu hút đầu tư được triển khai hiệu quả, với nhiều dự án có quy mô đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, bên cạnh đẩy mạnh du lịch tâm linh, những năm qua, du lịch cộng đồng phát triển mạnh tại khu vực hồ Hòa Bình với nhiều bản du lịch độc đáo như: Bản Ngòi, một bản của người Mường cổ nằm ven vịnh Ngòi Hoa, thuộc xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc); bản Đá Bia, xã Tiền Phong (huyện Đà Bắc), nơi sinh sống của người Mường Ao Tá; xóm Ké, xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc) nằm trong Vịnh Hiền Lương, là nơi sinh sống của hơn 100 hộ đồng bào Mường.
Những năm qua, du lịch cộng đồng ở xóm Ké ngày càng phát triển với sản phẩm du lịch đa dạng. Gia đình anh Đinh Văn Sánh (chủ homestay Sánh Thuấn) có 10 năm làm du lịch homestay tại xóm Ké. Ban đầu, anh Sánh chỉ có 1 nhà nghỉ để làm homestay, sức chứa từ 30 - 40 người. Đến nay, gia đình anh đã phát triển thêm 4 phòng nghỉ riêng dành cho khách hộ gia đình. Anh Sánh chia sẻ, trong 10 năm làm du lịch, gia đình anh đã đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước. Du khách đều đánh giá cao những trải nghiệm mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Mường. Do đó, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống là nền tảng để người dân nơi đây phát triển du lịch. Du khách đến với homestay không chỉ để nghỉ ngơi, mà còn khám phá về văn hóa của người Mường.
Cũng như nhiều điểm du lịch cộng đồng khác trên vùng lòng hồ Hòa Bình, hiện nay xóm Ké đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: bơi bè mảng, chèo thuyền kayak, thăm trung tâm nuôi cá giống, thăm đền Đôi Cô linh thiêng, khám phá thác Suối Trạch. Từ xóm Ké, du khách có thể đạp xe, đi mô tô địa hình sang các điểm du lịch cộng đồng lân cận như xóm Sưng (cách 20 km), Đá Bia (30 km), hoặc đi thuyền sang các điểm du lịch của huyện Mai Châu. Hiện nay, trên khu du lịch hồ Hòa Bình đã có hơn 100 cơ sở lưu trú, với khoảng 300 phương tiện vận chuyển khách; có 2 khu nghỉ dưỡng gồm: Mai Châu Hideaway và Ba Khan Village Resort.
Ông Đinh Văn Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (Hòa Bình) chia sẻ, việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường tỉnh 435 đã tác động tích cực đến hoạt động du lịch ở các địa phương vùng hồ thuộc huyện Cao Phong. Xã Bình Thanh đang thu hút một số dự án du lịch, dịch vụ đầu tư như: Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bình Thanh của Công ty Cổ phần Mora Group; Khu du lịch nghỉ dưỡng Parahill của Công ty Cổ phần Beru Group...
Hiện nay, khu vực hồ Hòa Bình thu hút 16 dự án đầu tư về du lịch, dịch vụ với tổng nguồn vốn khoảng 3.300 tỷ đồng. Một số dự án có quy mô lớn đang triển khai như: Khu du lịch thiên nhiên Robinson do Công ty Cổ phần du lịch Hòa Bình làm chủ đầu tư; Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa do Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng - xây dựng - thương mại Hoàng Sơn làm chủ đầu tư; Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình do Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng làm chủ đầu tư... Bên cạnh đó, khu vực này đã có hệ thống khách sạn, resort, nhà nghỉ cộng đồng, cùng hàng trăm phương tiện tàu, thuyền vận chuyển, hệ thống nhà hàng, điểm vui chơi... Các tour, tuyến tại khu vực hồ Hòa Bình được xây dựng, kết nối với nhiều địa phương trong nước, tạo nên hệ sinh thái du lịch đa dạng. Khu du lịch đã có 1 điểm du lịch cộng đồng đạt 4 sao, 1 điểm du lịch cộng đồng đạt 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh, khu du lịch hồ Hòa Bình có đóng góp không nhỏ trong việc thu hút khách trong nước, quốc tế đến với Hòa Bình. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, khu du lịch đón trên 1 triệu lượt khách, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật kết nối các điểm du lịch, đẩy mạnh thu hút phát triển du lịch với các dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao, đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa. Cùng với quyết tâm cao xây dựng thương hiệu quốc gia, khu du lịch hồ Hòa Bình đang khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia và phát triển du lịch vùng trung du, miền núi Bắc Bộ.
Những năm qua, khu du lịch hồ Hòa Bình đã hình thành tuyến du lịch đường thủy di chuyển bằng tàu trên sông Đà đi qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu; đã hình thành tuyến du lịch đi bộ, đạp xe dọc hai bờ sông Đà thuộc các huyện: Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc.
Ngoài ra, Hòa Bình tăng cường kết nối với các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh và tuyến Tây Bắc; triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; liên kết phát triển du lịch với Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch trên hồ Hòa Bình.