Những điểm du lịch miệt vườn, miệt đồng khá hấp dẫn du khách. Làm du lịch, hằng ngày ngoài việc chăm lo tưới nước, bón phân, tỉa cành, bao trái… nhà nông đồng thời là hướng dẫn viên cho khách tham quan, làm thêm các việc như đầu bếp kiêm nhân viên chạy bàn…
Đặc biệt, loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch xanh hấp dẫn thu hút khách trong và ngoài nước. Năm qua, nhiều mô hình du lịch trải nghiệm do chính nông dân đưa ra đóng góp cho ngành du lịch hoàn thiện sản phẩm du lịch, xây dựng tour - tuyến, cách thức quảng bá... giúp cải thiện hình ảnh du lịch Đồng Tháp trên đất “Sen hồng”, thu hút du khách, tăng doanh thu du lịch.
Khách du lịch nghỉ ngơi tại Khu du lịch sinh thái sen - cá, đồng sen Gò Tháp, huyện Tháp Mười. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN |
Anh Lê Văn Ngọt ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, cho biết anh trồng 4 ha sen, sau khi trừ chi phí một năm lãi hơn 300 triệu đồng. Với diện tích sen hiện có, anh còn làm dịch vụ du lịch, mở quán cho khách đến tham quan, thưởng thức các món ăn từ sen, tính ra lãi gấp 2-3 lần trồng sen.Trước đây, thương lái mua với giá 12-15 ngàn đồng/kg. Hiện nay, giá gương sen lên cao do hết mùa, một bông hoa sen giá 5 ngàn đồng, một gương sen giá 5 ngàn đồng.
Ông Nguyễn Văn Đầy, thành viên Hợp tác xã quýt hồng Lai Vung, cũng vừa khai trương điểm tham quan vườn cây ăn trái Lan Anh tại ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu. Đây là điểm tham quan vườn cây ăn trái thứ 6 trên địa bàn huyện Lai Vung. Điểm tham quan Lan Anh có diện tích trên 1,5 ha, quýt hồng được chủ vườn cho trái nhiều đợt khác nhau nên có thể phục vụ nhu cầu tham quan của du khách đến qua Tết Nguyên Đán 2017. Cũng như các điểm tham quan trước, giá vé vào vườn là 50.000 đồng đối với người lớn và 25.000 đồng đối với trẻ em.
Ở huyện Tam Nông, anh Trần Minh Tân ở xã Phú Hiệp cùng 4 thành viên của xã Đoàn trồng 1,5 ha kiệu. Tới mùa thu hoạch, anh tổ chức điểm du lịch trải nghiệm thu hoạch và sản xuất dưa kiệu cho du khách. Sau đó, các tour du lịch sinh thái đến các nơi sản xuất kiệu ngày càng đông, góp phần tăng thu nhập bằng việc bán các sản phẩm, làm dịch vụ trải nghiệm.
Đặc biệt ở thành phố Sa Đéc, khai mạc tuần lễ du lịch tỉnh Đồng Tháp năm 2017, nhà vườn trồng hoa kiểng của ông Trần Thanh Hùng đã khai trương điểm tham quan du lịch homestay đầu tiên ở Sa Đéc. Trên mảnh vườn có diện tích khoảng 3.000 m2, ngoài việc trồng các loại hoa kiểng, ông Hùng còn nuôi thêm ếch thịt trong ao. Chính việc nuôi trồng đặc biệt này, cái tên “Ngôi nhà hoa ếch” đã ra đời.
Ông Hùng cho biết, để chuẩn bị khai trương đúng vào dịp Tuần lễ Du lịch Đồng Tháp năm 2017 phục vụ khách tham quan, ông đã khẩn trương trang trí, làm đẹp cho ngôi nhà của mình như: đầu tư làm đường đi nội bộ, mái che mát cho khách đi tham quan, trang bị thêm một số chăn, màn, giường, đệm và xây thêm các phòng ngủ. Vừa qua, “Ngôi nhà hoa ếch” của ông Hùng đã tiếp đón trên 120 khách trong và ngoài nước có nhu cầu nghỉ lại qua đêm, trải nghiệm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với gia đình.
Đầu năm 2017 ở xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh nơi cù lao nằm giữa sông Tiền, phát triển mô hình tham quan, trải nghiệm thu hoạch các nông sản như: Xoài, cam, nhãn, mãng cầu v.v.. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc trưng miền sông nước như: cá linh, bông điên điển, khô cá cơm, ốc, hến, dưa xoài và cùng thưởng thức văn nghệ, các hoạt động văn hóa nổi bật của người dân vùng cù lao.
Ông Lê Thành Công, Bí thư Thành ủy Cao Lãnh, cho biết dù mới đưa vào hoạt động, điểm du lịch vườn xoài Thuận Thành gần nửa tháng nay nhưng mỗi tuần có hai đoàn khách nước ngoài theo tuor du lịch đến đây trải nghiệm. Nhà vườn trồng xoài nơi đây không chỉ chăm sóc cho vườn xoài, sản xuất, thu hoạch mà còn đầu tư hàng trăm triệu đồng làm đường chung quanh vườn, đóng thuyền làm dịch vụ cho khách đền trải nghiệm bơi quanh vườn, xây những căn nhà bán hàng trái cây đặc sản của vườn như xoài, cam, mãng cầu… Mọi người trong nhà đều làm du lịch, người tham gia nấu ăn, người hướng dẫn khách tham quan, người làm nhân viên chạy bàn…trong năm 2017 thành phố khuyến khích nhà nông phát triển thêm mô hình du lịch nông nghiệp.
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết trong ba ngày Tết Dương lịch vừa qua, đã có khoảng 76.000 lượt du khách đến vườn quýt hồng Lai Vung và làng hoa kiểng Sa Đéc, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. "Không chỉ giúp tăng lượng du khách đến tỉnh, các vườn quýt hồng và làng hoa đã tạo nên thương hiệu mới cho du lịch Đồng Tháp, giúp du khách biết đến Đồng Tháp nhiều hơn. Đây là điểm nhấn của du lịch của tỉnh".
Để phát triển mô hình nhà nông làm du lịch, tỉnh có chính sách hỗ trợ các hộ dân làng hoa kiểng Sa Đéc xây dựng mô hình du lịch homestay và loại hình du lịch cộng đồng tại các vườn cây ăn trái, có đủ điều kiện phát triển thành điểm tham quan du lịch vệ tinh gắn kết với các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Hộ làm du lịch homestay có quy mô đón, phục vụ từ 30 khách đến dưới 49 khách, được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ; quy mô từ 50 khách trở lên được hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ. Mức hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp bán đặc sản Đồng Tháp có quy mô diện tích từ 200 m2, sức chứa từ 100 khách trở lên, đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; xây dựng khu mua sắm theo quy hoạch trong các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được hỗ trợ 500.000 đồng/m2 xây dựng.
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết thêm mô hình làm du lịch của nhà nông ngày càng thu hút khách du lịch, tạo thành điểm đến quan trọng trong hành trình khám phá du lịch tại Đồng Tháp, làm phong phú thêm chương trình du lịch cho du khách.Những chương trình tour đi Đồng Tháp xem làng hoa, vườn quýt hồng, vườn xoài, vào đồng sen … hiện nay đã trở thành tour thu hút khách trong nước và nước ngoài.