Điều kiện khí hậu ít mưa, nhiều nắng đã tạo cho Ninh Thuận nhiều sản phẩm nông nghiệp có tính đặc thù cao, mang dấu ấn vùng đất khô nóng quanh năm như: Nho (1.300 ha), táo (1.020 ha), măng tây xanh (160 ha), tỏi (104 ha), cây nha đam (333 ha), rong sụn (150 ha), cừu (165.000 con), dê (130.000 con)…
Đây là những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên thị trường đang được tỉnh Ninh Thuận tập trung đầu tư, phát triển theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa gắn với hoạt động du lịch.
Để nâng cao giá trị, quảng bá cho sản phẩm của ngành nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã xây dựng và phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Nhiều mô hình đang trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng của địa phương như: Các tour tham quan vườn nho ở làng nho Thái An (huyện Ninh Hải); các trang trại nho, táo (huyện Ninh Phước); vườn trái cây sinh thái Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn); tham quan, chụp ảnh cánh đồng chăn cừu An Hòa, Phước Trung (huyện Ninh Hải, Bác Ái); mô hình khu du lịch văn hóa sinh thái hồ sen gắn với tìm hiểu văn hóa, ẩm thực đồng bào Chăm (huyện Ninh Phước).
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) cho hay, du lịch tham quan vườn nho là một trong những kênh quảng bá hữu hiệu cho sản phẩm nho Ninh Thuận.
Với mô hình này, du khách có được trải nghiệm thực tế bên trong những vườn nho sai trĩu quả, tìm hiểu quy trình sản xuất, thưởng thức nho tươi, sản phẩm chế biến từ nho ngay tại vườn. Ngoài ra, mô hình cũng giúp nông dân địa phương có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch, góp phần tăng giá trị kinh tế từ cây nho.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách tham quan, thưởng thức nho tươi, tỉnh đang giao cho hợp tác xã trồng và nhân rộng diện tích giống nho mới NH 01-152. Giống nho này có đặc điểm trái to, trọng lượng chùm đạt từ 1,2 đến 1,8 kg/chùm, vỏ quả dày, thịt chắc, giòn, độ ngọt vừa phải, có vị thơm nhẹ rất đặc trưng, đặc biệt khi trái chín có màu đỏ vang rất đẹp. Giống nho NH 01-152 có thể cạnh tranh với các giống nho chất lượng cao nhập khẩu vào thị trường Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Khắc Phòng cho biết thêm.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong số 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh lựa chọn để phát triển giai đoạn 2018-2020, có 9 sản phẩm đặc thù của ngành nông nghiệp gồm: nho, táo, măng tây, tỏi, nha đam, rong sụn, tôm giống, cừu, dê. Ngoài ra có 3 sản phẩm tiềm năng đặc thù khác gồm: lợn đen, bò vàng, trái cây Ninh Sơn. Các sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu, thị trường và du khách đón nhận.
Xác định du lịch là kênh quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh, một trong những hình thức tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ hiệu quả, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết giữa các công ty du lịch và nhà vườn; khuyến khích, hỗ trợ mô hình khởi nghiệp về du lịch nông nghiệp; tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm đặc thù từ khâu sản xuất đến khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Để tạo thuận tiện cho du khách có nhu cầu tham quan, mua sắm, Ninh Thuận đang triển khai xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm đặc thù; triển khai ứng dụng dán “Tem điện tử thông minh” truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm đặc thù, kết nối quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc thù gắn với quảng bá du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng với đó, ngành Du lịch địa phương tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn người dân kỹ năng về làm du lịch, chăm sóc khách hàng.
Ngành Du lịch cũng tiếp tục khảo sát, tổ chức các tour, tuyến, điểm du lịch phù hợp với từng sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Qua đó tạo ra sự đa dạng hóa về sản phẩm du lịch, tiến tới phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách khi tới Ninh Thuận.