Phước Tích - ngôi làng cổ bên dòng Ô Lâu

Chúng tôi có dịp về thăm làng cổ Phước Tích, một ngôi làng bình yên bên dòng sông Ô Lâu, còn khá nguyên vẹn những yếu tố gốc của làng cổ vùng văn hóa Huế và miền Trung. Chỉ tiếc là, vẻ đẹp ấy, giá trị văn hóa ấy cho đến nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả tương xứng với tiềm năng của nó.

Ngôi làng cổ bên dòng Ô Lâu

Từ thành phố Huế đi về phía Bắc khoảng 45 km, chúng tôi đến làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), một trong 2 ngôi làng Việt cổ được công nhận là di tích ở Việt Nam. Nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, nép mình bên bờ sông Ô Lâu, làng cổ Phước Tích như một bảo tàng sống động của văn hóa làng quê Việt được lưu giữ hàng trăm năm nay.

Du khách tham quan một ngôi nhà rường cổ ở Phước Tích.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến làng Phước Tích ấy là một ngôi làng đẹp như một bức tranh cổ. Một không gian xanh của những khu vườn và những cây cổ thụ nhuốm màu cổ tích. Từ cây thị đầu làng có gốc to đến 2 người ôm, mà theo lời ông Nguyễn Thế, Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Phước Tích, thì cây thị này khoảng 700 năm tuổi; hay như cây hoàng lan trên 100 năm tuổi trước ngôi nhà của mẹ Tràng, đến mùa vẫn nở hoa thơm ngát cả vùng quê. Rồi những cây mai, tùng, mít, bồ quân… đổ bóng xuống làng hàng trăm năm nay. Tất cả vẫn được người dân Phước Tích giữ gìn như tài sản vô giá của cộng đồng. Trên con đường dẫn vào làng, lối đi vào những ngôi nhà rường cổ trong làng, hàng chè tàu xanh mướt, được cắt tỉa gọn gàng, uốn lượn theo đường làng, ngõ xóm và lối đi vào từng nhà. Bên trong những hàng cây xanh, sau bức bình phong là những ngôi nhà rường cổ với kiến trúc gỗ tinh tế, hệ thống vì kèo, cửa nẻo, hoành phi, câu đối, cho đến các đồ dùng như sập gụ, tủ chè, trường kỷ, phản nằm; các bàn thờ, bệ thờ… đều được chạm khắc kỹ lưỡng, tinh xảo không thua kém gì các kiến trúc gỗ ở Hoàng cung triều Nguyễn. Từ những kiến trúc tinh tế này, có thể thấy được trình độ thẩm mỹ tuyệt vời của những chủ nhân ngôi nhà cổ có từ hàng trăm năm trước.

Phước Tích hiện có 36 ngôi nhà rường còn khá nguyên vẹn, trong đó có 24 nhà ở của dân và 12 nhà thờ họ tộc. Nhiều ngôi nhà đã trên 100 năm tuổi, có ngôi nhà gần 200 năm tuổi. Tiêu biểu trong số những ngôi nhà cổ như ngôi nhà rường của ông Hồ Đình Lan, xưa từng làm tri huyện, đã hơn 100 năm tuổi mà hàng cửa cột bằng gỗ mít vẫn bóng loáng. Giữa nhà còn có bức hoành phi của vua Duy Tân (1909 - 1916) ghi công vị quan thanh liêm. Hay ngôi nhà ông Hồ Văn Tế, khoảng 150 năm tuổi, qua mấy đời con cháu vẫn giữ nguyên vẹn nếp xưa nhà cũ, tường ngói rêu phong. Rồi ngôi nhà của cụ Trương Công Bậc đã 200 năm tuổi, kiến trúc kiểu ba gian hai trái, mái lợp ngói liệt đã thâm nâu, tường gạch rêu phong; những ngôi nhà cổ của bà Hồ Thị Nga, ông Lê Trọng Khương, cụ Lương Thị Thanh Hén… Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, những khu vườn rộng rãi với cây cối xanh tốt, nhà nhà cách nhau một hàng chè tàu cắt xén đều tăm tắp tạo nên một không gian xanh vừa cổ kính, vừa gần gũi, cùng với hệ thống hàng chục các đình, chùa, miếu, đền thờ, như đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Ðôi, miếu Quang Tế (thờ Yoni va Linga của người Chăm) và các miếu Âm hồn, Con Cọp, Bà Giang (người Chăm), đền Văn Thánh. Miếu Ðôi thờ người khai canh Hoàng Minh Hùng được phong làm Thần hoàng làng… Tất cả mang đậm nét tín ngưỡng của cư dân làng cổ tiêu biểu của Việt Nam và làm nên một ngôi làng di sản kiến trúc quý hiếm ở Việt Nam.

Lần đầu tiên đến thăm làng cổ Phước Tích, chị Thu Hiền, một du khách đến từ Hà Nội rất ấn tượng về nét cổ nguyên sơ ở Phước Tích. Chị Hiền cho biết: “Tôi đã từng đến làng cổ Đường Lâm, đã từng đi một số làng có kiến trúc cổ ở miền Bắc, nhưng chỉ đến Phước Tích, tôi mới thấy được một không gian xanh mát tuyệt đẹp như trong truyện cổ tích vậy. Phước Tích rất xứng đáng là một làng văn hóa di sản đặc sắc của Miền Trung và cả nước”.

Cùng với nhà rường, Phước Tích còn nổi tiếng về nghề gốm với kỹ thuật nung bằng rơm, tạo ra những sản phẩm tinh xảo nổi danh một thời. Nhưng cùng sự phát triển của xã hội, đồ nhựa, đồ kim loại lấn át, gốm Phước Tích mai một dần. Cả làng giờ chỉ còn duy nhất một lò gốm đất (mới được phục dựng) và một lò nung bằng gas để quảng diễn quy trình làm gốm phục vụ khách du lịch.

Vẫn chỉ là “tiềm năng”

Sau gần 10 năm được vén “bức màn quên lãng”, Phước Tích đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, trong những kỳ Festival Huế, Phước Tích cũng góp mặt với thương hiệu “Hương xưa làng cổ”. Song, với lợi thế về cảnh quan, văn hóa, những gì mà Phước Tích làm được vẫn còn là quá ít so với tiềm năng.
 
Ông Văn Công Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, UBND huyện đang nỗ lực truyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân và du khách, để mọi người biết Phước Tích là một trong hai ngôi làng cổ của Việt Nam. Trong đó, chú trọng việc giới thiệu những nét đặc sắc riêng có của Phước Tích như kiến trúc nhà rường cổ, những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc của ngôi làng, hệ thống di tích văn hóa Chămpa để lại và cảnh quan môi trường mang đậm nét cổ xưa ở làng. Huyện và Ban quản lý làng cổ Phước Tích cũng đã và đang thực hiện một số tour tuyến du lịch đưa khách về tham quan làng cổ, chuẩn bị trình đề án về du lịch cộng đồng ở Phước Tích... Trong thời gian trước mắt, huyện cũng đang tập trung kinh phí để tu sửa một số ngôi nhà rường đã bị xuống cấp. Trước mắt, huyện tập trung việc giới thiệu với du khách về ngôi làng cổ, chứ chưa đặt vấn đề về doanh thu du lịch từ ngôi làng này.

Đó là về du lịch, còn với nghề gốm, ông Văn Công Bình cũng thừa nhận, tuy đã phục hồi, nhưng nghề gốm ở Phước Tích hiện vẫn còn rất khó khăn, chưa thể phát triển kinh doanh mà chỉ mang tính chất nung một số lò lấy sản phẩm để quảng diễn. Về lâu dài, huyện cũng muốn thành lập HTX gốm để khôi phục nghề, rồi tới đây sẽ kêu gọi đầu tư để khôi phục nghề... Mong muốn thì như vậy, nhưng có lẽ con đường để đưa gốm Phước Tích trở lại thành làng nghề truyền thống như xưa là rất khó, bởi hiện nay, những nghệ nhân biết nặn, vuốt gốm ở Phước Tích chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, mà đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hy.

Bà Lương Thị Bê, năm nay đã 74 tuổi, là một trong số ít nghệ nhân làng gốm Phước Tích nhớ lại: “Từ khi 15 tuổi tôi đã theo cha, mẹ làm gốm. Lúc đó, nghề gốm ở làng còn mạnh lắm, nhà nào cũng có lò, nhà nào cũng làm gốm, cả làng giàu có nhờ làm gốm. Thuyền bè lúc nào cũng tấp nập ở dưới bến chở hàng đi khắp nơi. Lúc chiến tranh nghề gốm có mai một nhưng dân Phước Tích vẫn không bỏ nghề. Đến khoảng những năm 1980, gốm không còn đất phát triển, nên các gia đình phá lò. Từ khi lò gốm được khôi phục, tôi vẫn thường xuyên ra lò vuốt gốm. Nhưng gốm làm ra giờ cũng không có người mua”. Rồi bà lo lắng: “Chúng tôi giờ đều đã già, sức khỏe ngày càng yếu, muốn truyền nghề cho con cháu, nhưng chẳng có người nào muốn học, không biết sau này, ai sẽ là người tiếp tục giữ nghề...”.

Lo lắng của bà Bê không phải là không có lý do, bởi lẽ, từ khi chính quyền và người dân Phước Tích quyết tâm khôi phục lại nghề gốm, mỗi năm lò cũng chỉ đỏ lửa 1, 2 lần, thường là vào các kỳ lễ hội, Festival để phục vụ quảng diễn cho du khách, chứ chưa thể trở lại thành nghề gốm như xưa. Nếu như chính quyền địa phương không sớm có chính sách hỗ trợ đào tạo lớp thợ kế cận, thì xem ra, việc phục hồi lại nghề gốm Phước Tích vẫn là một bài toán khó đối với huyện Phong Điền nói chung và làng Phước Tích nói riêng.

Ông Nguyễn Thế, Trưởng Ban quản lý làng cổ Phước Tích cho biết, làng Phước Tích hiện còn 36 ngôi nhà rường, nhưng không phải tất cả các ngôi nhà đều nguyên vẹn, bởi đã có một số ngôi nhà đã được cải tiến một chút, và có khoảng 50% ngôi nhà đang trong tình trạng xuống cấp... Kể từ khi được công nhận là Di tích cấp quốc gia tháng 3/2009, mọi công tác trùng tu, tôn tạo phải áp dụng theo Luật Di sản. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là thiếu kinh phí để bảo tồn và trùng tu lại những ngôi nhà rường cổ.

Trùng tu, tôn tạo đã khó, việc phát huy giá trị của làng cổ còn khó hơn. Hiện nay, UBND huyện Phong Điền và Ban quản lý làng cổ Phước Tích cũng đã có định hướng phát triển một số tour, tuyến du lịch về làng theo mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay ở Phước Tích là thiếu nhân lực. Mà thiếu là phải, vì cả làng hiện có 117 hộ với 320 nhân khẩu, nhưng hầu hết là người già và trẻ nhỏ, những người đang trong độ tuổi lao động đều đã đi làm ăn xa, rất ít khi trở về làng. Thêm vào đó, trong số các nhà cổ còn lại, có tới 12 nhà là nhà thờ họ tộc, thuộc sở hữu của nhiều người, nên việc triển khai đưa nhà rường cổ thành điểm du lịch cộng đồng cho du khách nghỉ lại cần phải được sự đồng thuận của toàn bộ con cháu trong gia đình... trong khi có khá nhiều ý kiến không đồng tình, nên việc triển khai sản phẩm du lịch tại Phước Tích vẫn còn rất khó và chưa thể triển khai rộng rãi.

Hiện tại trong làng có 2 hộ được một công ty du lịch đầu tư làm du lịch cộng đồng, do tuổi cao sức yếu nên không thực hiện được. Nhưng khi Ban quản lý đề nghị đưa một số nhân viên hợp đồng về làm du lịch thì họ lại đắn đo, chưa ủng hộ. Nguyên nhân chính của việc này là bản thân các gia đình vẫn rất thụ động, họ chưa ý thức được và cũng như chưa hình dung được nguồn lợi từ du lịch sẽ mang đến cho cuộc sống của họ.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Trương Đức Kiến (82 tuổi), tộc trưởng họ Trương Công chia sẻ: "Với những gì còn giữ lại được, Phước Tích hoàn toàn có thể làm du lịch. Người dân không nên chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà nên chủ động. Chẳng hạn khi khách đến làng thì chủ động giới thiệu với họ những sản phẩm đặc trưng; mời họ thưởng thức đặc sản cơm niêu, cá kho, canh cá sông, vả kho; để du khách tự tay nhào đất, làm ra một sản phẩm gốm, giúp họ có sự trải nghiệm thì chắc chắn du lịch Phước Tích sẽ phát triển hơn hiện nay. Khi du lịch phát triển, người dân có nguồn thu, họ cũng sẽ có tiền để đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo nhà cổ". Đó quả là một ý kiến hay, nhưng để làm được việc đó, các hộ dân ở Phước Tích đều phải ý thức được việc này, và cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các ban, ngành, các tổ chức xã hội... thì khi ấy, làng cổ Phước Tích mới phát huy được giá trị đích thực của nó, chứ không phải chỉ dừng lại ở mức tiềm năng như hiện nay.

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN