Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cho biết: Hội nghị mong được lắng nghe những ý kiến đóng góp, nguyện vọng từ các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình quảng bá, xúc tiến du lịch. Từ đó, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Đánh giá kết quả đã đạt được trong năm 2023, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho biết: Năm 2023 là năm phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam, với tỷ lệ %, đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, 108 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 678 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về xu hướng tiêu dùng, du lịch xanh, du lịch số tăng, ngành du lịch vẫn gặp khó khăn khi có sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến; giá cả dịch vụ, vé máy bay tăng cao… đòi hỏi cần có công tác nghiên cứu, dự báo và phản ứng kịp thời hiệu quả.
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đại diện Cục Du lịch Quốc gia cho biết, cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch số; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hoá loại hình, cách thức tiếp cận thị trường; huy động nguồn lực, phối hợp triển khai các công tác hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Tại hội nghị, đại diện ngành du lịch các địa phương, các doanh nghiệp đã có những ý kiến, đề xuất trong việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá trong thời gian tới.
Đại diện Sở Du lịch TP Hà Nội cho rằng, cần đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác giữa các đơn vị du lịch thay vì hoạt động riêng lẻ. Bên cạnh đó, tận dụng các liên hoan phim quốc tế, đưa du lịch gắn với điện ảnh, thông qua đó lồng ghép những điểm đến đẹp của Việt Nam bằng các câu chuyện, nội dung phim.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh kiến nghị thêm: Cần xác định các sự kiện xúc tiến trọng điểm, xuyên suốt trong năm, tạo hiệu ứng thu hút du lịch, từ đó, xây dựng thành sự kiện thường niên, tạo dấu ấn với du khách trong và ngoài nước; đồng thời, làm tốt công tác truyền thông, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phối hợp đơn vị truyền thông quốc tế, đưa các hoạt động, điểm đến của địa phương đến với thế giới.
Đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với từng địa phương, đẩy mạnh kết nối tới các địa bàn trọng điểm, tổ chức "Ngày Việt Nam" tại nước ngoài và có hướng dẫn cụ thể hơn để phân loại, điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch.
Về phía các doanh nghiệp du lịch, đại diện Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist) cho rằng, công tác xúc tiến thông qua các đại sứ quán đang đạt được những hiệu quả tích cực. Nét đẹp văn hóa, ẩm thực và con người Việt Nam cũng được đón nhận, từ đó cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt trong hoạt động lưu trú và ăn uống.