Theo lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình, khi dịch COVID-19 dần được khống chế, đơn vị đã lập kế hoạch phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch trong điều kiện mới với 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1, từ thời điểm ban hành kế hoạch đến hết tháng 12/2021, tập trung nâng cấp hạ tầng du lịch, xây dựng, hoàn thiện các tour, tuyến du lịch bảo đảm an toàn trong trạng thái bình thường mới.
Giai đoạn 2 từ 1/1/2022 đến 31/12/2023, khi dịch COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn, Quảng Bình tập trung các biện pháp khôi phục hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện mới.
Theo đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, để từng bước khôi phục hoạt động du lịch, đề nghị tỉnh Quảng Bình cần có hướng dẫn cụ thể nhằm có thể đón khách “vùng xanh” nội tỉnh từ ngày 1/10.
Ông Nguyễn Châu Mỹ, Công ty Oxalis cho biết: Chúng ta cần phải tạo “hành lang xanh” giữa Quảng Bình và các điểm du lịch một số tỉnh, thành phố trong cả nước; ban hành hướng dẫn du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới; thiết lập và cho phép hoạt động các tour, tuyến khép kín, an toàn trong các khâu phòng chống dịch…
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình nhấn mạnh: Chúng ta cần làm tốt vấn đề “hộ chiếu vaccine”, tạo thuận lợi cho du khách nói chung, du khách nước ngoài nói riêng… Việc tiêm vaccine cho lao động ngành du lịch là hết sức cần thiết. Do đó, đề nghị tỉnh Quảng Bình tạo điều kiện để tiêm đầy đủ các mũi tiêm vaccine cho chủ sử dụng lao động, lao động của các đơn vị hoạt động du lịch.
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đề xuất các vấn đề như: Cần khởi động lại các tuyến du lịch Hà Nội và các tỉnh phía Bắc với Quảng Bình; giảm phí các tuor, tuyến từ nay đến năm 2022, có thể đến năm 2023; cần thiết lập “vùng xanh” cho khách du lịch, để khi khách du lịch đến thì không cần phải cách ly 7 ngày như quy định…
Bên cạnh đó, một số đơn vị, đại diện doanh nghiệp cũng đề xuất với tỉnh Quảng Bình một số vấn đề để triển khai hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới, như: Xem xét chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp; mở lại đường bay Hà Nội - Đồng Hới (Quảng Bình).
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, doanh nghiệp chủ động, linh hoạt hơn nữa trong phối hợp, điều hành và hoạt động du lịch. Về vấn đề tiêm vaccine cho đội ngũ lao động ngành du lịch, ông Hồ An Phong khẳng định tỉnh sẽ ưu tiên tiêm theo lộ trình chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong cũng thống nhất với một số kiến nghị của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; đồng thời đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch trong thời gian tới, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi hoạt động du lịch.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, với cách tiếp cận mới, xác định sống chung với dịch, tỉnh Quảng Bình xây dựng phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh, trong đó có ngành du lịch.
Trước mắt, Sở Du lịch tỉnh đánh giá kỹ tình hình, nhu cầu du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ và Quảng Bình để xây dựng phương án phục hồi hoạt động du lịch bảo đảm sát với thực tế. UBND tỉnh cần sớm ban hành văn bản quy định về tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong giai đoạn phòng, chống dịch mới. Các ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức; hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các tour, tuyến, điểm lưu trú mới, sẵn sàng đón “làn sóng” khách du lịch trong trạng thái bình thường mới; tranh thủ thời gian để đào tạo và đào tạo lại đội ngũ lao động ngành du lịch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.
Về các chính sách hỗ trợ, tỉnh Quảng Bình cam kết bảo đảm triển khai nhanh chóng, kịp thời. Với đề nghị giảm giá dịch vụ để kích cầu du lịch, tỉnh tiếp thu và sẽ trình HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Tỉnh Quảng Bình cũng ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lao động ngành du lịch theo lộ trình chống dịch.
Tại Quảng Bình, dịch COVID-19 gây hậu quả nặng nề đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, trong đó du lịch là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong 9 tháng năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình chỉ đạt gần 548.000 lượt, giảm 66% so cùng kỳ, trong đó khách nội địa giảm 65%, khách quốc tế giảm 92% so cùng kỳ năm 2020...