Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cùng khoảng 400 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hàng không, du lịch, lữ hành, khách sạn cùng một số chuyên gia…
Hội nghị hướng đến mục tiêu đề xuất giải pháp phục hồi và thống nhất hành động giữa các cấp, các ngành trong kế hoạch phát triển du lịch Việt Nam phù hợp với diễn biến của COVID-19. Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng kết quả phát triển vượt bậc của du lịch Việt Nam giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu với tốc độ 22,7%/năm; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm; tổng thu từ du lịch tăng từ 355 nghìn tỷ đồng lên 755 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 20,7%/năm; giá trị xuất khẩu tại chỗ của du lịch tăng 2,1 lần. Năm 2019 ngành Du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước; tạo ra 2,9 triệu việc làm trong đó có 927.000 việc làm trực tiếp. Những thành tựu của du lịch Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019. Tổ chức Du lịch thế giới xếp Việt Nam thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Việt Nam được bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á hai năm liên tiếp, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác.
Tuy nhiên, năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát tác động trực tiếp đến ngành Du lịch thế giới nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm tới 1,1 tỷ lượt, tổng thu du lịch toàn cầu mất đi 1.100 tỷ USD; khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành bị mất việc.
Tại Việt Nam, với tinh thần chủ động, chống dịch như chống giặc, Việt Nam đã sớm xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 một cách toàn diện theo các kịch bản ứng phó được chuẩn bị kỹ lưỡng, trở thành điểm sáng về an toàn phòng dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành Du lịch Việt Nam vẫn không tránh khỏi những tổn thất nặng nề. Từ tháng 3/2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến hết tháng 11/2020 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019; khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD). Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc tới ngành du lịch, đòi hỏi toàn ngành phải có biện pháp ứng phó kịp thời, phải có sự đánh giá lại, tư duy lại về cách làm du lịch trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới; đồng thời, xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội, ngành Du lịch đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, chuyển hướng tập trung phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh dừng đón khách quốc tế. Tháng 5/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình "Người Việt Nam du lịch Việt Nam" với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa, từng bước khôi phục hoạt động du lịch sau dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Nhờ vậy, chỉ tính riêng trong tháng 6/2020, lượng khách nội địa tăng mạnh trung bình từ 1,5 - 3 lần so với tháng 5/2020. Đến tháng 9/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 với chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn". Đến tháng 11/2020, tổng số khách du lịch nội địa đạt 49 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng năm 2020 ước đạt 280.200 tỷ đồng, giảm 56,8% so với cùng kỳ năm 2019. Công suất sử dụng phòng khách sạn ở nhiều địa phương như: Đà Lạt, Sầm Sơn, Sa Pa, Hạ Long, Phú Quốc,...đã đạt tới 30- 50%, thời kì cao điểm, cuối tuần lên tới 80-90%. Du lịch nội địa đã góp phần duy trì hoạt động của ngành, hạn chế thấp nhất tổn hại do dịch bệnh mang lại.
Báo cáo cũng nêu rõ những khó khăn, hạn chế và nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi, phát triển ngành du lịch một cách an toàn, bền vững, thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới. Trước bối cảnh thị trường du lịch quốc tế toàn cầu đóng băng do ảnh hưởng của COVID-19, Việt Nam tiếp tục nỗ lực khai thác thị trường nội địa khi dịch bệnh được kiểm soát tốt trong cộng đồng.
Tại Hội nghị, đại diện Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) dự đoán xu hướng mới trong nhu cầu du lịch của khu vực và khả năng thích ứng của ngành du lịch Việt Nam. Đại diện các doanh nghiệp đề xuất giải pháp chiến lược nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau COVID-19; đề xuất tái định hình chính sách hỗ trợ và cơ cấu lại ngành du lịch sau đại dịch; gợi ý xu hướng chuyển đổi số để phát triển thời "bình thường mới"; đề xuất mô hình và kinh nghiệm hợp tác, liên kết giữa các nhà đầu tư về quảng bá, xúc tiến. Hội nghị còn đưa ra những giải pháp để ngành hàng không và du lịch cất cánh trở lại hậu COVID-19.
Bên cạnh đó, đại diện từ UBND các địa phương như: Quảng Nam, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế và Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu các giải pháp liên kết để tối ưu hoá nguồn lực; liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm tạo động lực mới cho phát triển du lịch trong và sau đại dịch; ứng dụng công nghệ số trong tham quan các điểm du lịch văn hoá… Ngoài ra, đại diện các bộ, ban, ngành liên quan đã trình bày những giải pháp hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao về phát triển các cơ sở hạ tầng ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong vào ngoài nước đã đầu tư xây dựng nhiều cơ sở lưu trú, nhiều tổ hợp lớn mang tầm quốc tế. Ngoài tỉnh Quảng Ninh, Phú Quốc hiện nay, tỉnh Bình Định, Quảng Nam… có chiến lược phát triển du lịch dài hơi, không chỉ lớn về quy mô còn mang đẳng cấp quốc tế…đó là minh chứng của sự phát triển du lịch; trong đó, không chỉ có vai trò của các hiệp hội du lịch mà còn sự cố gắng của Chính phủ và các doanh nghiệp cũng như cộng đồng nhân dân hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp không khói này.
Phó Thủ tướng cũng đặt ra một số vấn đề để ngành du lịch cần tập trung quan tâm trong thời gian tới, để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước một cách chuyên nghiệp hơn đó là: Vấn đề liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương cần tập trung ở tất cả các phân khúc. Tái cơ cấu thị trường khách du lịch cần chủ động nguồn khách ở các thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần thu hút khách du lịch trong nước và phục vụ khách du lịch trong nước theo tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế...
Về vấn đề chuyển đổi số, Phó Thủ tướng đề nghị cần tập trung số hóa toàn bộ các di sản văn hóa, các cổ vật trong bảo tàng để số hóa toàn bộ, tạo nền tảng cho khách du lịch trải nghiệp trước khi đến tham quan thực tế….
Kết thúc hội nghị đã diễn ra lễ Ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.