Quảng Ninh đa dạng sản phẩm du lịch từ ẩm thực địa phương

Việc Quảng Ninh khai thác tốt các giá trị văn hóa ẩm thực chắc chắn sẽ tạo sức cạnh tranh về du lịch cho địa phương.

Tạo bản sắc vùng miền

Quảng Ninh nổi tiếng nhất là các món ăn làm từ sản vật biển, như: Mực, sá sùng, sứa biển, tu hài, sò, ngán, ruốc, cua, cá, tôm, ốc, hàu, hà, cù kỳ... Cùng với đó, mỗi vùng, miền của Quảng Ninh lại có những đặc sản riêng, như: Nem chua, cà sáy, cá khe, rươi, ruốc sông, cá ngần…; các loại bánh gio, bánh gật gù, chè vân, chè Đường Hoa (Hải Hà)… Đó là chưa kể nhiều món ẩm thực được hình thành từ sự giao lưu, tiếp thu văn hóa ẩm thực các vùng, miền khác trong cả nước và cả nước ngoài. Tất cả đã tạo nên sự đa dạng, phong phú của ẩm thực Quảng Ninh làm say lòng du khách.

Chú thích ảnh
Ngày hội ẩm thực và văn hóa châu Á 2018 là một trong những sự kiện chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2018 - Hạ Long – Quảng Ninh. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Tại Hạ Long, trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh, ăn uống là loại hình kinh doanh khá sôi động, mang lại doanh thu lớn cho hoạt động du lịch trong những năm gần đây. Hệ thống các cơ sở ăn uống trên địa bàn rất đa dạng, hầu hết các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ đều phục vụ ăn uống. Hạ Long hiện có trên 500 khách sạn, nhà nghỉ và khoảng 600 nhà hàng, quán ăn chuyên phục vụ các món ăn hải sản và những món ăn dân tộc Âu, Á. Bên cạnh đó, hải sản Hạ Long, Quảng Ninh còn theo bước chân du khách bốn phương để làm quà cho bạn bè và người thân sau những chuyến đi xa.

Quảng Yên xưa và nay cũng nổi tiếng với những món ăn dân dã, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền nơi cửa sông Chanh, sông Bạch Đằng lịch sử. Hàng năm, thị xã đã có nhiều giải pháp cụ thể trong phát triển giá trị ẩm thực của địa phương để phát triển du lịch, như thường xuyên tổ chức các chương trình Liên hoan ẩm thực, hội chợ ẩm thực, các cuộc thi ẩm thực du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, dần trở thành Ngày hội ẩm thực đặc trưng địa phương vào mỗi dịp Lễ hội du lịch, Tết Nguyên đán… Các loại nông sản, hải sản mang tính đặc sản, đặc trưng địa phương đã được thị xã xây dựng thành vùng sản xuất tập trung và trở thành thương hiệu sản phẩm OCOP địa phương, như: Trứng gà Tân An, rau Song Hành, rau Việt Long (Tiền An), mắm tép Long Thương, nem chua Quảng Yên, bánh gio Hà Nam, mật ong Hoàng Tân, cua Liên Vị, tôm sú, hàu cửa sông Quảng Yên...

Để thúc đẩy phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu ẩm thực đặc trưng Quảng Yên, thị xã đã xây dựng và hình thành phố ẩm thực “Sông Chanh Bến Ngự”, gồm hệ thống chuỗi nhà hàng phục vụ các món ăn ngon đặc sản của địa phương, với giá cả phù hợp, đáp ứng khẩu vị của du khách mọi miền, đồng thời vẫn giữ được nét văn hoá ẩm thực tinh tế truyền thống, là điểm nhấn khác biệt so với các điểm du lịch khác.

Ẩm thực biển Cô Tô hấp dẫn du khách trong và ngoài nước không chỉ là hương vị đậm đà đặc trưng từ chính những loài hải sản, đặc sản kỳ lạ của xứ biển mà còn bởi văn hóa ẩm thực đậm nét địa phương từ người dân Cô Tô. Với mục tiêu xây dựng Cô Tô trở thành đảo du lịch, vì vậy, huyện đặc biệt chú trọng xây dựng các sản phẩm thương hiệu địa phương. Hàng năm, huyện tổ chức các Liên hoan ẩm thực các món ăn đặc sản nhằm giới thiệu tới bạn bè trong và ngoài tỉnh về hình ảnh con người và mảnh đất Cô Tô, nét văn hóa ẩm thực đặc trưng, các nhà hàng, khách sạn danh tiếng với đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp. Đến nay, huyện Cô Tô đã có 2 sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ là Mực ống và Cá duội Cô Tô; nhiều đặc sản khác được xây dựng thành sản phẩm OCOP, như: Mực ống Cô Tô, tôm nõn, cá thu, cơ trai, cá đục, nước mắm…

Những năm qua, TX Đông Triều đã triển khai việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực địa phương gắn với khai thác một cách hiệu quả các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch trên địa bàn. Theo đó, thị xã đã tập trung chỉ đạo xây dựng các thương hiệu ẩm thực truyền thống, đặc trưng của địa phương gắn với chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP). Tính đến nay, thị xã đã có 21 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao; 5 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể gồm: Gạo nếp cái hoa vàng, na dai, vải thiều, cam Canh, bưởi Diễn. Từ đó, các điểm du lịch, các khách sạn, nhà hàng đã sử dụng các sản phẩm đặc trưng của địa phương để quảng bá, giới thiệu và cung cấp cho khách du lịch. Cùng với đó là xây dựng các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của địa phương trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong các chương trình tham quan, như tại điểm du lịch làng quê Yên Đức, Quảng Ninh Gate…

Doanh nghiệp hút khách từ văn hóa ẩm thực

Ẩm thực là con đường tiếp cận nhanh chóng và gần gũi, sẽ rất phù hợp khi dùng ẩm thực để phát triển du lịch. Do vậy, với các đơn vị du lịch ở Quảng Ninh nói chung cũng đã và đang khai thác thế mạnh về văn hóa ẩm thực để thu hút du khách. Như tại FLC Hạ Long, riêng về ẩm thực từ hải sản, doanh nghiệp có nhà hàng “Hương biển” khai thác ẩm thực từ 4 yếu tố: Không gian cảnh quan nhà hàng; nhu cầu trải nghiệm của thực khách; thực đơn, cách chế biến; cách thức truyền thông quảng cáo. Theo đó, nhà hàng “Hương biển” được thiết kế theo phong cách miền biển, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường (tre, trúc, lá tranh); vật dụng bàn ăn có màu xanh dương và nâu. Du khách được “mục sở thị” các bể hải sản và khu chế biến với không gian mở; khám phá những câu chuyện thú vị về món ăn. Theo đánh giá của đơn vị thì chính giá trị văn hóa ẩm thực này cùng với chất lượng món ăn và sự đặc trưng vùng miền mà số tiền khách hàng chi tiêu cho ẩm thực tại FLC Hạ Long khá cao, chiếm 73% so với doanh thu lưu trú.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong việc khai thác các sản vật địa phương để phục vụ phát triển du lịch. Song đánh giá một cách tổng thể thì các sản phẩm ẩm thực mang thương hiệu Quảng Ninh chưa thực sự phát huy được giá trị tương xứng, chưa được nhiều người biết đến. Một số sản phẩm đã được các doanh nghiệp đưa vào phục vụ khách, tuy nhiên cách chế biến chưa thực sự mang đặc trưng, sắc thái riêng của Quảng Ninh, chưa tạo được sự hấp dẫn đối với khách hàng nói chung, khách du lịch nói riêng. Nguồn cung thực phẩm địa phương được chứng nhận đủ các tiêu chuẩn ATVSTP còn hạn chế.

Với các địa phương cũng vướng nhiều vấn đề, như: Chưa xây dựng được những tour du lịch mà ở đó ẩm thực là điểm nhấn đặc trưng; hầu hết các món ăn đều được chế biến và sản xuất theo quy mô nhỏ, hộ gia đình, tiêu thụ nhỏ lẻ; việc khai thác hải sản phụ thuộc trực tiếp vào điều kiện tự nhiên như thời tiết, mùa vụ; nhận thức về việc xây dựng ẩm thực trở thành một sản phẩm du lịch còn hạn chế mà mới chỉ đơn thuần dừng lại là một nét văn hóa tinh thần của người dân; chưa thực sự coi việc chế biến, trang trí, giới thiệu về ẩm thực là một nghệ thuật nên chưa thực sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch…

Vì vậy, để phát huy giá trị văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch, thiết nghĩ Quảng Ninh cần tăng cường các hình thức quảng bá sản phẩm ẩm thực; kết hợp các tour du lịch với ẩm thực địa phương; đa dạng các phương pháp chế biến món ăn; nâng cao chất lượng đội ngũ lao động chế biến món ăn và thức uống cũng như chất lượng những món ăn mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống nhằm hướng tới phục vụ khách du lịch…

XL
Hưng Yên hình thành sản phẩm du lịch mang bản sắc Phố Hiến
Hưng Yên hình thành sản phẩm du lịch mang bản sắc Phố Hiến

Làm thế nào để khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên du lịch, tìm chỗ đứng cho Hưng Yên trong vị trí bản đồ du lịch cả nước, là vấn đề được đưa ra bàn luận tại hội thảo "Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch Hưng Yên", diễn ra trong 2 ngày 8 - 9/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN