Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch nhằm phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; khẳng định vị trí quan trọng của Vùng đối với du lịch Việt Nam. Từng bước nâng cao vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đồng bằng sông Cửu Long với cả nước và quốc tế.

Mô hình du lịch sinh thái vườn hồ tiêu ở xã Cửa Dương, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm địa giới hành chính thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, có diện tích tự nhiên: 40.576,6 km2.

Dự kiến đến năm 2020, Vùng đón khoảng 34 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 52 triệu lượt khách, trong đó khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch (giá hiện hành) đến năm 2020 đạt khoảng 25.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 111.000 tỷ đồng.


Hình thành các dòng sản phẩm du lịch hấp dẫn


Về định hướng phát triển sản phẩm du lịch, khai thác các tiềm năng và lợi thế của Vùng để hình thành các dòng sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao.


Cụ thể, ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc thù, bao gồm: du lịch trải nghiệm đời sống sông nước, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu di sản văn hóa; củng cố các sản phẩm chính, bao gồm: nghỉ dưỡng biển - đảo và vui chơi giải trí. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch với các sản phẩm bổ trợ, gồm: du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch tìm hiểu các di tích lịch sử - cách mạng, du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện (MICE). Phát triển thị trường khách du lịch quốc tế, chú trọng thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á đối với các sản phẩm du lịch đặc thù: trải nghiệm đời sống sông nước, sinh thái, tìm hiểu di sản văn hóa và các sản phẩm du lịch chính của Vùng.


Tập trung phát triển mạnh thị trường du lịch nội Vùng; phát triển thị trường khách đến từ các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và thành phố Đà Nẵng; chú trọng thị trường khách du lịch với mục đích tìm hiểu đời sống sông nước, miệt vườn, lễ hội, văn hóa - tâm linh, nghỉ dưỡng biển - đảo; đồng thời khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường khách du lịch theo chuyên đề và du lịch vui chơi giải trí.


Tập trung phát triển 5 khu du lịch quốc gia


Quyết định nêu rõ, tập trung phát triển 5 khu du lịch quốc gia, gồm: Thới Sơn nằm trong cụm cù lao Long Lân Quy Phụng (Tiền Giang, Bến Tre), Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn - Mũi Cà Mau (Cà Mau), Tràm Chim - Láng Sen (Long An, Đồng Tháp),Núi Sam (An Giang); 7 điểm du lịch quốc gia, gồm: Khu phức hợp giải trí Xứ sở Hạnh phúc (Long An), Cù lao Ông Hổ (An Giang), Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Bến Ninh Kiều (Cần Thơ), Hà Tiên (Kiên Giang), Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long), Ao Bà Om (Trà Vinh).


Phát triển thành phố Cần Thơ và đảo Phú Quốc (Kiên Giang) thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn Vùng;phát triển thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) thành trung tâm du lịch của Không gian du lịch phía Đông, đồng thời là trung tâm phụ trợ của Vùng. Dựa trên hệ thống tuyến du lịch nội vùng hình thành và khai thác các tuyến du lịch chuyên đề: sinh thái rừng, biển, khám phá vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, rừng U Minh, Năm Căn, du khảo đồng quê...


Phát triển tuyến du lịch quốc gia và quốc tế dựa trên việc mở rộng các tuyến du lịch liên vùng gắn với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan - Campuchia - Rạch Giá - Cà Mau theo đường R10) và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp) và Bình Hiệp (Long An); tuyến đường biển qua các cảng biển (Cần Thơ, Phú Quốc) và tuyến đường sông trên sông Tiền và sông Hậu kết nối với Phnompenh, Seam Reap (Campuchia). Tăng cường phát triển các tuyến du lịch đường không quốc tế trên cơ sở nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc.

PV
Triển khai quy hoạch du lịch vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020
Triển khai quy hoạch du lịch vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020

Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tổ chức triển khai Qui hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN