Đây là lần đầu tiên “Ngày hội Hoa Muồng vàng” được tỉnh Gia Lai tổ chức, nhằm tôn vinh mảnh đất, con người và các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Chư Prông; quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch của huyện, trở thành một điểm đến trong các tour du lịch của tỉnh Gia Lai. Từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư, hợp tác, liên kết giữa huyện Chư Prông với các địa phương khác trong cả nước.
Tham gia ngày hội, du khách không chỉ được tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp vời mà còn được trải nghiệm các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao và quảng bá du lịch mang đậm nét đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số như: Trình diễn cồng chiêng; tham gia các trò chơi dân gian… Ngoài ra, du khách còn được tham quan, mua sắm các đồ lưu niệm, đặc sản địa phương, thưởng thức các món ăn đặc trưng của Tây Nguyên nói chung và huyện Chư Prông nói riêng như: cơm lam, gà nướng, rượu ghè, lá mì, cà đắng, thịt nướng lồ ô... tại 40 quầy hàng ẩm thực, sản phẩm nông sản đặc sản địa phương của bà con nhân dân trên địa bàn tự nuôi trồng, sản xuất…
Ông Nguyễn Lê Nguyên Thành, chủ gian hàng gà nướng cơm lam chia sẻ, để tham gia “Ngày hội Hoa Muồng vàng”, ông đã chuẩn bị từ ba tháng trước với các sản phẩm, ẩm thực đặc trưng như gà, bò một nắng, muối kiến để giới thiệu với du khách gần xa. Ông Thành kỳ vọng, sau ngày hội này, du khách sẽ biết đến và yêu mến Chư Prông nói riêng và tỉnh Gia Lai cũng như khu vực Tây Nguyên nói chung.
Chị Đoàn Thị Minh Hòa (trú xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) cho biết, chị rất ấn tượng với hình ảnh hoa Muồng vàng nở rộ mỗi khi chuyển giao giữa hai mùa mưa - nắng. Chính vì vậy, khi địa phương tổ chức “Ngày hội Hoa Muồng vàng”, chị và gia đình đã đến để thưởng lãm loài hoa Muồng vàng và các món ăn đặc trưng của Tây Nguyên.
Ông Ksor Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, Trưởng ban tổ chức “Ngày hội Hoa Muồng vàng” năm 2019 cho biết, hoa Muồng vàng nở đúng vào tháng 10 hằng năm, là thời điểm giao thoa giữa hai mùa mưa - nắng, một nét đặc trưng của thời tiết trên địa bàn Tây Nguyên. Đồng thời, lần đầu tổ chức “Ngày hội Hoa Muồng vàng” thể hiện sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm về tổ chức sự kiện, xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh của huyện Chư Prông. Cùng với đó huyện muốn xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, phát huy sức sáng tạo của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, thúc đẩy và đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch tỉnh Gia Lai.
“Qua ngày hội này, huyện Chư Prông mong muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư, hợp tác, liên kết giữa huyện với các địa phương khác trong tỉnh cũng như trên cả nước. Huyện cũng sẽ tiếp tục kêu gọi, cam kết tạo mọi điều kiện, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như: điện gió, điện mặt trời, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, các khu du lịch sinh thái, các điểm tham quan lịch sử như khu di tích lịch sử Plei Me, khu du lịch sinh thái Hồ thủy lợi Ia Mơr, khu tưới Hồ thủy lợi Ia Mơr…, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn”, ông Ksor Việt nhấn mạnh.