Theo số liệu quan trắc từ 20 giờ ngày 7/9 đến 9 giờ 30 phút ngày 8/9, thị xã Sa Pa mưa lớn nhất với lượng mưa phổ biến đều ở mức trên 100mm; trạm Hoàng Liên: 156mm, Ô Quý Hồ: 154,4mm, Mường Hoa: 151mm, Tả Van: 116,4mm, Bản Hồ 1: 116,4mm, Bản Khoang: 106,6mm, Thủy điện Séo Chông Hô: 100,6mm.... Tại huyện Văn Bàn, lượng mưa được ghi nhận ở mức 89mm tại xã Nậm Xây. Các khu vực còn lại có rải rác, mưa vừa trung bình từ 30-50mm.
Theo tổng hợp từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, tính đến 11 giờ ngày 8/9, đã có 27 nhà phải di dời khẩn cấp do ngập nước, sạt lở taluy dương tại huyện Văn Bàn (24 nhà) và thị xã Sa Pa (3 nhà).
Về sản xuất nông nghiệp, đã có trên 133 ha lúa, ngô, sắn, thủy sản bị thiệt hại do mưa lũ. Trong đó, huyện Văn Bàn thiệt hại nặng nhất với trên 102 ha bị ảnh hưởng và 6 con trâu bị nước lũ cuốn trôi tại xã Sơn Thủy.
Mưa lớn đã gây sạt lở tại nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ khiến việc lưu thông của các phương tiện gặp nhiều khó khăn. Quốc lộ 4D đoạn từ thành phố Lào Cai đi Sa Pa bị sạt lở taluy dương ở vị trí Km95+700, ước khối lượng sạt lở khoảng 1.350 m3; hiện tại đã thông xe tạm 1 làn xe. Mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều tuyến đường và các đập tràn trên địa bàn thị xã Sa Pa đã bị hư hỏng hoặc không đảm bảo an toàn cho hoạt động giao thông.
Ngoài ra, một số tuyến tỉnh lộ 151, 152, 152B có điểm bị ngập úng cục bộ và sạt lở taluy dương. Đơn vị quản lý bảo trì đã cắm biển cảnh báo và tổ chức cấm đường, không cho người và phương tiện đi qua khi chưa đảm bảo an toàn.
Nhiều tuyến đường do cấp huyện, xã quản lý bị ngập nước, sạt lở hư hỏng tại huyện Văn Bàn (4 tuyến) và thị xã Sa Pa (1 tuyến). Ngoài ra, một số điểm cầu, tràn tại huyện Văn Bàn bị ngập như: cầu Nậm Xây Luông, xã Nậm Xây; ngầm tràn thôn Làng Nòm, xã Hoà Mạc; ngầm tràn Phú Mậu và Liêm Phú xã Liêm Phú...
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Sa Pa, các huyện Văn Bàn, Bảo Thắng đã chỉ đạo UBND các xã, phường ứng phó hỗ trợ nhân dân khắc phục về nhà ở, sản xuất nông nghiệp, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Các địa phương khơi thông hệ thống thoát lũ đối với các điểm ngập úng; cắm biển cảnh báo không cho người dân qua lại các điểm ngập úng, sạt lở; tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại.
Đối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, ngay sau khi xảy ra mưa lũ, Sở Giao thông vận tải Lào Cai đã chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì đường bộ Lào Cai cử cán bộ tuần kiểm trực tiếp đến hiện trường và chỉ đạo nhà thầu quản lý bảo trì đường bộ tập trung nhân lực, máy móc hót dọn đất đá và các chướng ngại vật trên lề, mặt đường, lòng rãnh; căng dây phản quang, phân luồng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch, ngày 8/9, Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã có văn bản yêu cầu tạm dừng đón khách du lịch tại các khu, điểm du lịch để đảm bảo công tác phòng, chống bão lũ trên địa bàn thị xã.
Do đó, theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thị xã Sa Pa, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa đề nghị Vườn Quốc gia Hoàng Liên; Ban Quản lý Phát triển Du lịch và Di tích; Ban quản lý Khu du lịch Hàm Rồng và các điểm du lịch trên địa bàn thị xã chủ động kiểm tra và có phương án ứng phó với cơn bão số 3 để đảm bảo an toàn về tài sản và người, đặc biệt là các điểm có thác, suối và địa hình phức tạp; tạm dừng đón khách tham quan tại các điểm di tích, danh thắng do đơn vị quản lý từ ngày 8/9 đến khi có thông báo mới của UBND thị xã.
UBND các xã, phường thông tin, yêu cầu các khu, điểm du lịch thực hiện dừng đón khách du lịch để đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng con người. Hiệp hội du lịch tỉnh Lào Cai thông báo tới các doanh nghiệp thành thành viên trong Hiệp hội chủ động đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; đồng thời dừng đưa khách du lịch đi tham quan các điểm du lịch và các hoạt động ngoài trời từ ngày 8/9 cho đến khi có thông báo mới của UBND thị xã Sa Pa.