Ngày 30/10, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường đã ký quy chế phối hợp và giới thiệu ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong 5 năm qua, du lịch Việt Nam đã có bước tăng trưởng về khách quốc tế (tăng 2,3 lần), khách nội địa (tăng 1,5 lần), tổng thu từ khách du lịch (tăng 2,2 lần), du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 9,2% GDP. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng khách du lịch bị ép giá, lừa đảo, quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ thực tế, mất vệ sinh an toàn thực phẩm… Những sự việc xảy ra dù chỉ là đơn lẻ nhưng có hệ lụy rất xấu, ảnh hưởng lớn đến ấn tượng của du khách trong hành trình trải nghiệm ở Việt Nam, làm giảm uy tín, thương hiệu của du lịch Việt Nam.
Với vị trí là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng cao, ngành du lịch đã và đang tăng cường phối hợp với các địa phương và các cơ quan chức năng để xử lý những vấn đề phát sinh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
“Việc ứng dụng công nghệ số, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp trên thế giới góp phần duy trì công tác quảng bá, xúc tiến thông qua trải nghiệm du lịch trên không gian mạng; kết nối công tác quản lý trong hệ thống ngành du lịch và với những đơn vị hữu quan”, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Việc kết nối từ ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn vào hệ thống phần mềm của quản lý thị trường sẽ giúp đơn vị tiếp nhận phản hồi cụ thể của khách khi bị mua hàng giả, hàng nhái, giá quá cao “chặt chém”; đồng thời du khách có thể phản ánh chất lượng tour, dịch vụ không đúng với quảng cáo. Từ thông tin này, các đội quản lý thị trường sẽ có mặt nhanh chóng để xử lý kịp thời những phản ánh của du khách.
Với mục tiêu phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, lấy khách du lịch làm trọng tâm và góp phần nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế, Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường thống nhất nội dung phối hợp như: Tiếp nhận và xử lý những phản hồi liên quan đến các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định của pháp luật; Trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu về các phương thức, thủ đoạn hoạt động xâm phạm quyền lợi của khách du lịch; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch....
Tại sự kiện, các đơn vị lữ hành hướng dẫn trải nghiệm ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” với các tính năng kết nối liên thông giữa du khách, đơn vị cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.Thông qua ứng dụng, du khách có thể tìm kiếm thông tin về các điểm đến an toàn, tương tác với đơn vị cung ứng dịch vụ, đưa ra đánh giá, phản hồi, giúp cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý kịp thời khi có sự việc phát sinh.