Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Trong những năm gần đây, ngành Du lịch đạt được những kết quả phát triển ấn tượng về lượng khách và doanh thu. Từ năm 2015-2019, tốc độ tăng trưởng lượng khách luôn đạt trên 22,7%. Ngành du lịch có đóng góp khoảng 9,2% GDP.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, du lịch là một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới giảm khoảng 1,1 tỷ lượt khách, thiệt hại lên tới 1.100 tỷ USD, khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành du lịch mất việc làm. Dự báo sau dịch, xu hướng du lịch quốc tế có nhiều thay đổi. Du khách sẽ chú trọng hơn các yếu tố an toàn sức khỏe, bảo hiểm du lịch, vệ sinh, tránh các không gian đông đúc, tránh tiếp xúc, nhạy cảm đối với vấn đề chi phí và giá cả trong việc lựa chọn điểm đến…
Đối với du lịch Việt Nam, ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1/2020, du lịch Việt Nam rơi vào khủng hoảng do dịch COVID-19 bùng phát. Năm 2020, dự kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm trên 80% so với năm 2019. Với khách du lịch nội địa, mặc dù Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình kích cầu, giảm giá nhưng dự báo cũng giảm 50% so với năm 2020. Ngành du lịch Việt Nam thất thu khoảng 23 tỷ USD trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, trong đó từ thị trường khách quốc tế là 16 tỷ USD và 7 tỷ USD với thị trường khách nội địa. Đến nay, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt từ 10-15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa và cho nhân viên nghỉ việc.
“Dịch COVID-19 tác động toàn diện, thay đổi toàn bộ chiến lược, kế hoạch và cấu trúc của ngành. Đơn cử như thị trường khách quốc tế chỉ chiếm 1/5 tổng lượng khách, nhưng đóng góp tới 55% doanh thu toàn ngành. Do đó, vấn đề chính đặt ra là cần đánh giá lại, xem xét lại cơ cấu ngành, trong đó có cơ cấu thị trường khách, coi đây là cơ hội mở ra giai đoạn mới, trong đó đánh giá lại toàn diện thị trường nội địa”, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Từ góc độ nghiên cứu, bà Ngô Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: Thị trường khách quốc tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào vùng Đông Bắc Á, chiếm tới 70%, nên khi bị tác động dịch bệnh đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đối tượng khách hiện chủ yếu là thăm quan, nên chỉ đi một lần. Trong khi nếu Việt Nam phát triển nhóm đối tượng khách đi nghỉ dưỡng, chữa bệnh thì sẽ bền vững hơn.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng cũng tái cơ cấu lại đường bay theo diễn biến của dịch COVID-19. Khi các đường bay quốc tế bị hạn chế thì hãng đã mở mới gần 22 đường bay trong nước mới ,mà trước đó chưa từng khai thác, với sản lượng khách nội địa tăng 30%. Theo nhận định của nhiều hãng tư vấn quốc tế, thị trường khách quốc tế muốn hồi phục phải cần 2-3 năm nữa, nên vấn đề hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành cần lúc này là hiểu rõ thị hiếu của nhóm khách nội địa. Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam có đưa ra con số có khoảng 10 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài mỗi năm và chi tiêu lớn, nhưng hành vi tiêu dùng của nhóm khách này thì gần như không có. Thực tế sản phẩm du lịch đang bán hiện nay là những sản phẩm truyền thống, chưa có sản phẩm mới với doanh thu chưa cao.
“Hiện các doanh nghiệp lữ hành cũng đang phối hợp với địa phương để khảo sát những điểm đến mới như tại Sơn La, Thanh Hóa… Bên cạnh đó, các điểm đến hướng đến loại hình du lịch nghỉ dưỡng mới phát triển bền vững”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Trong khi đó, từ góc nhìn doanh nghiệp du lịch, ông Ngô Minh Đức, Giám đốc HG Group cho rằng: Thói quen lựa chọn điểm du lịch của khách thay đổi sau dịch, và các doanh nghiệp lữ hành đã sớm thích ứng với điều này, từ trong việc tìm kiếm thông tin, lựa chọn điểm đến, mua dịch vụ trên mạng. Để thích ứng, doanh nghiệp du lịch cũng thích ứng với công cuộc chuyển đổi số trong việc xây dựng sản phẩm dựa trên các nền tảng số và được tự động hóa mọi khâu; sự liên kết giữa cá hệ sinh thái để sử dụng dịch vụ của nhau và mong muốn có chính sách ủng hộ của Chính phủ và đẩy mạnh truyền thông giữ vững thị trường khách nội địa.
Còn đại diện Google khu vực Đông Nam Á cho biết: Hành vi tìm kiếm thông tin của du khách đang thay đổi nhiều kể từ khi xảy ra dịch COVID-19, theo đó, khách tìm kiếm thông tin điểm đến an toàn, các dịch vụ bảo đảm và lựa chọn công ty cung cấp dịch vụ uy tín. Do đó, các doanh nghiệp du lịch cũng có thay đổi dịch vụ để thích ứng với thay đổi hành vi của khách du lịch.