Cụ thể, khách lưu trú ước đạt 28.000 lượt (trong đó có gần 650 khách quốc tế), công suất phòng khách sạn từ 3-5 sao trung bình trên 55% (riêng trong 2 ngày 30/4 và 1/5 công suất phòng là trên 90%). Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức nhiều hoạt động lễ hội văn hóa phục vụ du khách và người địa phương trong dịp nghỉ lễ này như: Festival Thuận An biển gọi, Ngày hội vùng cao A lưới, Ngày hội Huế - Kinh đô ẩm thực, Phố đêm Hoàng thành… Các dịch vụ cho thuê áo dài để chụp ảnh, thu hút đông đảo du khách. Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác quảng bá điểm đến nên khách du lịch dễ dàng tìm hiểu thông tin và đặt phòng lưu trú tại tại thành phố Huế và các khu nghỉ dưỡng ven biển ở huyện Phú Lộc.
Mặc dù, thời tiết ở Thừa Thiên-Huế trong dịp nghỉ lễ có mưa nhưng tại các điểm tham quan di tích vẫn rất đông khách du lịch. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng duy trì tổ chức biểu diễn hoạt cảnh lễ đổi gác trước Ngọ Môn; giảm 50% giá vé thuyết minh hướng dẫn tại các điểm di tích cho đoàn khách từ 20 người trở lên; giảm 50% giá vé xem biểu diễn Nhã nhạc và múa cung đình tại Nhà hát Duyệt Thị Đường.
Tại Sân bay quốc tế Phú Bài, các chuyến bay đi và đến cũng được tăng 20 chuyến so với thường lệ, qua đó góp phần tạo thuận lợi trong việc đi lại, lựa chọn điểm đến của du khách vào thời điểm nghỉ lễ kéo dài.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết: Môi trường du lịch Thừa Thiên-Huế trong dịp nghỉ lễ nhìn chung được đảm bảo an toàn. Thông qua những đường dây nóng và đội kiểm tra liên ngành không có ghi nhận phản ánh của du khách về tình trạng chặt chém giá cả hoặc than phiền về chất lượng dịch vụ. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo ấn tượng tốt đẹp để du khách quay trở lại với mảnh đất Cố đô trong thời gian tới.