Tạo cơ chế phát triển du lịch sinh thái ven hồ Trị An

Ngày 21/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc cùng lãnh đạo các sở, ngành, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Công ty Thủy điện Trị An về tình hình xử lý các điểm du lịch sinh thái ven hồ Trị An.

Chú thích ảnh
Thác nước bán nhân tạo là một cảnh quan độc đáo trên Đảo Ó - Đồng Trường trên hồ Trị An. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Theo Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu, từ sau dịch COVID-19, khu vực ven hồ Trị An ở các xã: Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý của huyện Vĩnh Cửu phát triển mạnh du lịch trái phép. Qua rà soát, tại 3 xã này có tổng số 52 cơ sở du lịch trái phép. Đến nay, địa phương đã xử lý trường hợp, trong đó đã tháo dỡ 23 cơ sở, các trường hợp còn lại sẽ được tiếp tục xử lý thời gian tới.
 
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về vấn đề xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường, vi phạm hành lang an toàn thủy điện… khi các điểm du lịch trái phép hoạt động. Một số ý kiến khác cho rằng, du lịch sinh thái là nhu cầu thực tiễn của người dân, do đó cần tìm giải pháp “cởi trói”, vừa đảm bảo việc quản lý, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Ông Lê Việt Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai khẳng định, hiện nay, nhu cầu du lịch sinh thái của người dân rất lớn. Căn cứ khoa học cho thấy phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng không tác động lớn đến rừng, thậm chí các chủ rừng làm tốt sẽ tạo ra những môi trường, cảnh quan, độ che phủ tốt hơn, đảm bảo mục tiêu bảo tồn hoặc phòng hộ. Hơn nữa, vùng bán ngập ở hồ Trị An tương đối lớn, nếu các hộ dân canh tác nông nghiệp tại đây thì lượng xả thải phân bón, thuốc trừ sâu, sản phẩm nông nghiệp cũng có nguy cơ cao tạo ra ô nhiễm. Nếu địa phương phát triển du lịch sinh thái, có sự kiểm soát tốt thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ, hồ Trị An có trí địa lý gần trung tâm đô thị, quanh hồ có rất nhiều cảnh đẹp, đây là nguồn lực rất lớn, thuận tiện để phát triển du lịch, do đó, cần có giải pháp để nguồn lực này phát huy giá trị, phục vụ phát triển kinh tế địa phương và đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, mục tiêu đột phá phát triển du lịch nằm trong quan điểm chung về việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tín hiệu vui là thời gian qua, huyện Vĩnh Cửu đã và đang trở thành điểm đến của du lịch sinh thái, nhiều doanh nghiệp muốn vào đầu tư, nhiều du khách tìm đến ngắm vẻ đẹp của rừng và hồ Trị An. Tuy nhiên, hiện nay du lịch ven hồ Trị An đang phát triển theo hướng nông hộ, hộ gia đình, cá nhân với hình thức tự phát, du lịch ngắn hạn, gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương và các cấp chính quyền.
 
Ông Võ Văn Phi nhận định, du lịch ven hồ, rừng là nhu cầu thực tiễn, địa phương cũng mong muốn có mô hình gắn với công tác quản lý, tuy nhiên, cần tạo cơ chế phù hợp để quản lý, vận hành mô hình hiệu quả song vẫn đảm bảo điều kiện bảo vệ tự nhiên, sinh thái. 
 
Hồ Trị An có diện tích hơn 32.000 ha, trong đó đất vùng bán ngập chiếm hơn 11.000 ha thời gian qua vẫn “bỏ không”, lãng phí nguồn lực. Ông Võ Văn Phi gợi ý khoanh vùng các bãi đất bán ngập có thể làm du lịch, gắn với các điểm quy hoạch du lịch sinh thái ven hồ để quản lý. Như vậy, việc quản lý sẽ bớt phức tạp hơn, giải quyết được nhu cầu đang nóng hiện nay, song chỉ nên phát triển các lều trại tạm, trồng hoa tạo cảnh quan dưới khu bán ngập. Đặc biệt, phải đảm bảo không để xây dựng công trình kiên cố trái phép, kiểm soát vấn đề an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường…

Lê Xuân (TTXVN)
Phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng
Phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 8/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN