Vẫn còn hiện tượng “chặt chém”
Đầu tháng 4/2016, ba du khách quốc tịch Anh đã đến trình báo Sở Du lịch Hà Nội về việc họ bị một khách sạn trên đường Nguyễn Trường Tộ lừa đảo, ăn chặn tiền tour.
Theo thông tin trình báo, ba du khách người Anh đã đặt phòng qua mạng tại khách sạn Hanoi Old Town (số 95 Hàng Chiếu, Hoàn Kiếm) nên khi xuống sân bay Nội Bài, họ đi taxi về khách sạn. Tuy nhiên, khi đến cửa khách sạn Hanoi Old Town thì một người đàn ông tự xưng là quản lý khách sạn thông báo đường ống nước đang sửa chữa nên không thể phục vụ du khách. Người này dẫn ba du khách sang cơ sở 2 của khách sạn tại địa chỉ số 9 đường Nguyễn Trường Tộ (quận Ba Đình) và được giới thiệu mua tour du lịch Bắc - Nam với giá 1.200USD. Khách thấy đắt nên từ chối và sau đó có đặt 2 tour đi Sa Pa (100 USD) và Hạ Long (181 USD). Tuy nhiên, khi kiểm tra lại thông tin trên mạng, ba du khách biết mình đã bị lừa nên trả lại phòng và yêu cầu hoàn tiền mua tour. Lúc này, người tự xưng quản lý khách sạn số 9 đường Nguyễn Trường Tộ chỉ hoàn trả lại chi phí tour đi Sa Pa và giữ lại chi phí đi tour Hạ Long.
Sau khi biết ba du khách Anh đã đến trình báo cơ quan chức năng. Theo ông Vũ Huy Công, Phó Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội, do các đơn vị chức năng và báo chí vào cuộc quyết liệt nên các đối tượng tại khách sạn số 9 Nguyễn Trường Tộ hoàn trả 100% số tiền mua tour còn lại cho khách, có bản cam kết đã hoàn tiền để tránh việc bị xử lý của cơ quan chức năng.
Khách đến tham quan di tích Hà Nội. |
Điều đáng nói, tình trạng chặt chém, lừa đảo khách du lịch đã diễn ra nhiều năm tại phố cổ Hà Nội và đối tượng được “nhắm” tới thường là khách đi tự do. Anh Đức Quang, quản lý một khách sạn phố Hàng Hành cho biết: “Một số đơn vị còn lập cả trang web mạo danh khách sạn để lừa khách. Thường thì đối tượng liên kết với các nhóm “cò” để dẫn khách ngay từ sân bay”.
Theo một đại diện lữ hành, tại khu vực phố cổ Hà Nội còn diễn ra tình trạng bán tour giá rẻ nhưng thực chất chỉ đủ chi phí vận chuyển và ngủ. Điển hình nhất là nhiều văn phòng du lịch rao bán tour đi Hạ Long 2 ngày ngủ tàu chỉ có giá từ 1,1 - 1,3 triệu đồng. Nhưng thực chất mức giá đó chỉ đủ tiền vận chuyển, phí nộp cho Ban quản lý điểm du lịch. Cho nên khi khách đi tour, đơn vị sẽ tìm mọi cách cắt dịch vụ hoặc thu thêm tiền.
Cùng với việc lừa đảo, chặt chém, theo phản ánh các công ty du lịch, sản phẩm du lịch Hà Nội chưa thực sự phong phú nên thời gian lưu trú của khách du lịch chỉ vẻn vẹn 1 hoặc 2 đêm. “Do đó, mới có câu ca “ăn tối rối nước là hết chương trình”, 20 năm qua, sản phẩm du lịch Hà Nội vẫn vậy, khách chỉ đi một ngày là hết điểm du lịch nội đô”, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour cho biết.
Kiên quyết xử lý các tệ nạn
Những năm qua, ngành du lịch Thủ đô luôn có tốc độ tăng trưởng ổn định, đóng góp hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Năm 2015, du khách đến Hà Nội đạt 16,43 triệu lượt khách nội địa và 3,36 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2 lần so với năm 2010 với tổng doanh thu đạt 55.539 tỷ đồng. Khách quốc tế đến Hà Nội đã chiếm tỷ trọng khoảng 40% lượng khách cả nước. Riêng những tháng đầu năm 2016, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 761.000 lượt người, tăng 28,7% so cùng kỳ năm trước.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trước những hạt sạn trong quá trình phát triển, nhất là nạn “chặt chém”, lừa đảo du khách tại khu vực phố cổ, rất cần sự vào cuộc của các cấp các ngành. Du lịch là ngành tổng hợp với khoảng 140 dịch vụ liên quan nên nếu không có vào sự vào cuộc của các cấp các ngành sẽ khó giải quyết các tệ nạn. Đơn cử, khách bắt taxi từ sân bay về khách sạn bị “chặt chém” thì cũng là một vấn đề khó đối với ngành du lịch nếu các hãng taxi không hỗ trợ xử lý...”.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, nạn chèo kéo, “chặt chém”, lừa đảo tại Hà Nội chỉ là đơn lẻ, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của Thủ đô. Do đó, thời gian tới, ngành du lịch Hà Nội tiếp tục phối hợp với thanh tra, công an, chính quyền các địa phương kiên quyết xử lý các tệ nạn này. Đơn vị sẽ xây dựng trang web và qua đó tiếp nhận thông tin của du khách. Khi tiếp nhận thông tin, các đơn vị chức năng phải vào cuộc cùng chính quyền địa phương xử lý dứt điểm.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú trọng tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng của Thủ đô. Thời gian tới, Hà Nội sẽ nâng cấp điểm đến tại một số điểm di sản văn hóa; đầu tư các điểm dừng chân cho khách du lịch tại khu vực nội đô và tổ chức biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ du lịch tại một số rạp và một số điểm trong khu vực phố cổ... “Tại các điểm du lịch nổi tiếng có đông du khách, Sở Du lịch và chính quyền địa phương sẽ tăng cường quản lý, xử lý nghiêm vi phạm chèo kéo, tạo dựng hình ảnh văn minh đối với du lịch Thủ đô”, ông Đỗ Đình Hồng khẳng định.