Tạo sự chuyên nghiệp trong sản phẩm dịch vụ

Muốn thu hút khách, doanh nghiệp lữ hành phải có sản phẩm để giới thiệu. Vì vậy khi năm 2013 được chọn là Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng, để hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành định hình tour tuyến, cuối năm qua, Tổng cục Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn trong cả nước. Tại các điểm đến, doanh nghiệp lữ hành đã đóng góp ý kiến cụ thể để địa phương có thể hoàn chỉnh dịch vụ. Chúng tôi có dịp trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về sản phẩm và lợi thế cạnh tranh cũng như khắc phục những nhược điểm về chất lượng dịch vụ của vùng:


Thưa ông, năm 2013 là Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng với chủ đề “Văn minh sông Hồng”, vậy đâu là thế mạnh của vùng này?


Năm 2012, được chọn chủ đề là “Năm du lịch di sản” tổ chức ở khu vực Bắc Trung bộ, trọng tâm là Thừa Thiên - Huế. Tiếp đó, năm 2013 là Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng với chủ đề “Văn minh sông Hồng”, trọng tâm là Hải Phòng. Tổng cục Du lịch phối hợp với các tỉnh đồng bằng sông Hồng bởi lẽ khu vực này với nền văn minh sông Hồng gắn với sản xuất lúa nước, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với nhiều lễ hội, loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, nổi bật.


Đó chính là giá trị cốt lõi kết nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng với nhau. Cùng với di sản thiên nhiên đã và đang được lập hồ sơ công nhận gồm có: Di sản thế giới vịnh Hạ Long, Cát Bà, Tràng An, chủ đề “Văn minh sông Hồng” tạo ra cảm hứng đặc biệt cho năm du lịch.


Tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội.


Tiếp đó, khu vực đồng bằng sông Hồng với 3 tâm điểm Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) tạo ra một vùng tam giác du lịch trọng điểm trong vùng để thu hút khách và phân phối ra các điểm du lịch khác trong khu vực. Sự kết nối với các vùng miền sẽ tạo động lực phát triển.


Năm du lịch quốc gia quan trọng nhất là tạo nên sản phẩm du lịch có sức hút để quảng bá thu hút khách. Nếu chủ đề là “Văn minh sông Hồng”, quan trọng nên hình thành tour dọc sông Hồng từ Hà Nội đến Hải Phòng rồi ra Hạ Long. Đồng quan điểm này, ông Phạm Từ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Đây là năm thứ 10 phát động “Năm du lịch” nên đề nghị tiến tới, mỗi năm Tổng cục Du lịch chọn một chủ đề, tour du lịch, tuyến du lịch quốc gia. Khi đã xác định là tuyến du lịch quốc gia thì các ngành phải vào cuộc như nếu cầu cống chưa xong thì phải nâng cấp, hoàn chỉnh để tạo điều kiện thuận tiện đi lại. Văn minh sông Hồng có giá trị lớn trong du lịch Việt Nam, vấn đề là phát huy như thế nào, phải tạo ra sản phẩm cụ thể, tour tuyến liên kết để doanh nghiệp bán được sản phẩm.

Cuối cùng là kinh nghiệm về liên kết phát triển du lịch đặt ra cho chúng ta nhiều bài học đề cao vai trò liên kết. Liên kết trở thành phương châm trong phát triển du lịch trong thời gian qua. Thông qua năm du lịch với chủ đề này tạo sự liên kết giữa các tỉnh, thành với nhau, giữa các doanh nghiệp với nhau, hiệp hội với nhau và từng điểm đến với nhau để tạo thành tuyến, chương trình tour hấp dẫn và độc đáo để chuyển tải, bán cho thị trường nguồn tiềm năng trong nước và nước ngoài.


Một góc vịnh Lan Hạ nhìn từ pháo đài thần công.

Tuy nhiên qua khảo sát, các doanh nghiệp du lịch cho rằng, ngoài 3 điểm Hà Nội, Ninh Bình, Hạ Long thì khu vực này còn thiếu chuyên nghiệp trong dịch vụ du lịch. Vậy chúng ta cần làm gì khắc phục nhược điểm này, thưa ông?


Du lịch vùng này còn mang tính mùa vụ và thiếu chuyên nghiệp. Đây là yếu tố cản trở và giảm đi khả năng khai thác những giá trị độc đáo nổi bật của vùng. Để khắc phục vấn đề này, Tổng cục Du lịch và các địa phương giải quyết các vấn đề sau: Lựa chọn những sản phẩm ưu thế, có thể khai thác được vào mùa vụ không thuận lợi với khách hàng. Ví dụ tại Hạ Long - Cát Bà có thể khai thác du lịch ngay trong mùa đông như tham quan di sản văn hóa, làng nghề, lễ hội. Rõ ràng đây là lợi thế có thể khai thác mà các tỉnh chưa phát huy.


Du khách tham quan Tràng An.


Do yếu tố mùa vụ, tính liên kết là quan trọng. Doanh nghiệp và địa phương có thể kết nối để khách đi vào mùa vụ khác nhau. Bên cạnh đó là khắc phục tính thiếu chuyên nghiệp tập trung cho đào tạo. Chúng tôi tập trung ba nhóm: Nhóm quản lý nhà nước; quản trị doanh nghiệp; đào tạo nghề cho nhân viên. Hiện Tổng cục Du lịch tập trung vào các vấn đề xây dựng tiêu chuẩn cho đào tạo, đào tạo các đào tạo viên; hỗ trợ đào tạo cho cán bộ quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch.


Cùng với đó, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ VH,TT&DL và địa phương giải quyết vấn đề nhà vệ sinh du lịch, tình trạng chèo kéo, “chặt chém” khách, lừa đảo, tổn thương hình ảnh du lịch Việt Nam và điểm đến. Vấn đề đó không chỉ mình ngành du lịch mà cần sự liên kết và sự tham gia của cả cộng đồng.


Ông đánh giá thế nào về cơ hội phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng?


Hệ thống hạ tầng giao thông đang nâng cấp, hoàn thiện mở ra cho du lịch cơ hội mới như việc mở rộng sân bay Cát Bi là sân bay quốc tế là một trong những điều kiện thúc đẩy du lịch trong vùng; đường cao tốc Đình Vũ - Cát Bà và tuyến đường 5 mới sẽ hoàn thành; thêm đó là đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội tạo cơ hội đi lại thuận tiện cho du khách.


Dù khủng hoảng kinh tế nhưng năm 2012, du lịch vẫn là điểm sáng. Tiềm năng du lịch nổi bật vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ đã được khẳng định với trục Hạ Long - Cát Bà - Bái Tử Long; du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh dựa trên di sản văn hóa vật thể, phi vật thể với tâm điểm là Hà Nội; khu vực sinh thái, cảnh quan Ninh Bình. Đây là ba tâm điểm để kết nối sản phẩm trong vùng. Vấn đề là mỗi tỉnh nhận diện sản phẩm khác biệt để xây dựng sản phẩm độc đáo, cạnh tranh, xây dựng thương hiệu riêng mình.



Bài và ảnh: Xuân Minh- Thu Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN