Chiều 27/10, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, ông Mạc Quang Giểng công bố: Từ ngày 1/11 tới, sẽ dừng hoạt động đối với các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, nếu tàu đó không được lắp đặt thiết bị phân ly dầu, nước.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải dầu từ các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, từ giữa năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã có phương án thu gom, xử lý nước la canh của tàu (nước la canh là hỗn hợp của nhiều chất gồm: nước ngọt, nước biển, dầu, bùn, hóa chất và các loại chất lỏng khác rò rỉ ra trong quá trình hoạt động của tàu).
Tàu du lịch đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long. Ảnh: TTXVN |
Sau khi lấy ý kiến của các chủ tàu du lịch, từ tháng 11/2014, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh đã yêu cầu các chủ tàu thực hiện lắp đặt thiết bị phân ly xử lý nước la canh trên tàu du lịch có công suất dưới 220 KW, đang hoạt động vận chuyển khách tham quan du lịch trên Vịnh Hạ Long. Với việc lắp đặt thiết bị phân ly này các chủ tàu chỉ phải trả chi phí một lần và với mức đầu tư trên dưới 20 triệu đồng/bộ mà không phải trả phí thu gom hàng tháng.
Tuy nhiên, đến nay có 240/485 tàu chưa lắp đặt thiết bị phân ly. Theo ông Mạc Quang Giểng, tiến độ triển khai lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước chậm do các đầu mối là các chủ tàu nhiều. Hơn nữa, hiện nay một số chủ tàu kinh doanh không hiệu quả có lượng khách ít cho rằng chi phí lắp đặt thiết bị cao nên có nhiều ý kiến chưa đồng ý việc lắp đặt thiết bị phân ly này.
Theo quy định của pháp luật, đối với tàu có công suất dưới 220 KW thì không phải lắp đặt thiết bị phân ly, nhưng phải xử lý nước thải lẫn dầu trước khi thải ra ngoài môi trường. Vì vậy, dù đây là quy định của riêng tỉnh Quảng Ninh, nhưng theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Mạc Quang Giểng thì tỉnh này vẫn có thể dừng hoạt động đối với các tàu du lịch không lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước căn cứ vào Luật Bảo vệ Môi trường.