Một đoàn chuyên gia ICOMOS (Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ - Cơ quan tư vấn của UNESCO) đã về Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) để thẩm tra thực địa. Đoàn ngoại giao các nước Thường trực Ủy ban Di sản thế giới cũng tới thăm Thành Nhà Hồ trong những ngày vừa qua.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã hoàn thành và trình UNESCO hồ sơ khoa học Thành Nhà Hồ để xét duyệt tại Hội nghị lần thứ 35 của Ủy ban Di sản văn hóa Thế giới tổ chức tại Baranh vào tháng 6 tới... Với những "động thái" này, hành trình trở thành Di sản văn hóa thế giới của Thành Nhà Hồ xem ra chỉ còn... rất ngắn!
Sức sống ở một kinh đô cổ
Hiện tại, xung quanh khu vực Thành Nhà Hồ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ và huyện Vĩnh Lộc đã cắm xong hơn 200 cột mốc chỉ giới tại 3 vùng lõi gồm: Thành nội, Đàn tế Nam Giao và khu vực La Thành (đê Đại La). Việc cắm các cột mốc nhằm công khai phạm vi khoanh vùng bảo vệ vùng đề cử tại Di sản Thành Nhà Hồ, mặt khác giúp chính quyền và nhân dân địa phương chủ động trong kế hoạch bảo vệ và tuyên truyền cho di sản.
Đoàn ngoại giao các nước Thường trực Ủy ban Di sản thế giới chụp ảnh lưu niệm tại Đàn tế Nam Giao - Thành Nhà Hồ. Ảnh: Hoa Mai |
Tại các hố khai quật trong Di tích Đàn tế Nam Giao (di tích vệ tinh của Thành Nhà Hồ), những nhà khảo cổ vẫn hối hả làm việc, những mong tìm kiếm dưới lớp đất cũ những di vật quý giá, những dấu tích kiến trúc để có thêm những chứng cứ thuyết phục trong hành trình mở ra cánh cửa bí mật về sự hình thành, phát triển của di tích Thành Nhà Hồ và vị vua Hồ Quý Ly.
Theo bước chân các nhà khảo cổ đến với Thành Nhà Hồ, Đàn tế Nam Giao sẽ được chứng kiến những dấu tích của Đàn Nam Giao, của con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn - đó chính là con đường trước kia vua đã đi để vào khu vực tế trời. Hai năm sau khi lên ngôi, năm 1402, Hồ Quý Ly đã cho xây dựng Đàn tế Nam Giao cạnh chân núi Đốn Sơn, cách trung tâm Thành Nhà Hồ chưa đầy 2 km... như là một dấu ấn hoàn thiện cho việc định đô của vương triều Hồ.
Đây chính là nơi hàng năm vương triều Hồ tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc vào những dịp đại xá thiên hạ. Sau nhiều cuộc khai quật, nghiên cứu quy mô, các nhà khoa học khẳng định đây là đàn tế duy nhất ở Việt Nam còn khá nguyên vẹn về mặt di tích và là Đàn Nam Giao có quy mô hoành tráng, hòa quyện giữa kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Các nhà khoa học đã khẳng định, qua các thành phần kiến trúc còn lại, hoàn toàn có thể phục dựng được diện mạo của Đàn Nam Giao thời Hồ.
Đến những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc
Ngược dòng lịch sử, trở về mảnh đất An Tôn xưa (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc), tìm về gốc tích của Thành An Tôn, Thành Tây Đô - những tên gọi khác của Thành Nhà Hồ. Thành Nhà Hồ được vua Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm Đinh Sửu (1397).
Theo các tài liệu sử sách ghi lại thì ngôi thành bằng đá hoành tráng và độc nhất vô nhị này được hoàn thành trong khoảng thời gian 3 tháng. Giống như kiến trúc Đại La và Hoàng Thành, Thành Nhà Hồ được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, hai mặt Nam - Bắc dài hơn 900 m, Đông - Tây dài hơn 700 m, tường thành cao trung bình từ 7-8 m, bên trong ốp đất, bên ngoài có hào sâu rộng từ 20-40 m, có hệ thống 4 cửa ở các mặt thành xây cuốn vòm, trong đó cổng phía Nam là cổng lớn nhất với chiều rộng tới m, cao 10 m cùng 3 mái vòm lớn.
Thành Nhà Hồ được xây cất từ những khối đá tảng cực lớn, gọt đẽo vuông vức rồi ghép lại với nhau một cách tự nhiên. Ở nhiều đoạn tường thành có thể thấy những khối đá tảng rất lớn, dài khoảng 7 m với khối lượng khoảng 20 tấn mỗi khối. Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, trải qua thời gian hơn 600 năm với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay Thành Nhà Hồ vẫn được bảo tồn rất tốt trong cảnh quan thiên nhiên còn hầu như nguyên vẹn.
Theo khẳng định của các nhà nghiên cứu, đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất về cảnh quan cũng như quy mô kiến trúc ở khu vực Đông Nam Á.
Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khi thăm thực địa tại Thành Nhà Hồ đã phải kinh ngạc thốt lên: "Tôi rất ấn tượng với việc xây Thành Nhà Hồ bằng việc gắn những phiến đá rất lớn lại với nhau mà không cần đến một chất kết dính nào trong một khoảng thời gian rất ngắn, lại thực hiện hoàn toàn bằng sức người. Đây là một trong rất nhiều sự độc đáo của Thành Nhà Hồ mà các nhà khoa học Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu".
Và bà Katherine Muller-Marin mong muốn rằng dù có hay không trở thành di sản văn hóa nhân loại, thì chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa vẫn cần tiếp tục nghiên cứu những bí ẩn của Thành Nhà Hồ cũng như tiếp tục có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị của di tích để nơi đây luôn là địa chỉ du lịch hấp dẫn của du khách gần xa.
Hoa Mai