Du lịch nội địa vẫn sẽ là ưu tiên trước nhất
Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, đại dịch COVID-19 đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân sang một trạng thái mới, tạo xu hướng mới trong du lịch. Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch tái cấu trúc, có những chuyển biến thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
Các chuyên gia cho rằng, hoạt động du lịch đã có sự chuyển đổi theo hướng xây dựng sản phẩm, điểm đến được bảo đảm an toàn, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực xúc tiến, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực và quản lý kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, việc xúc tiến quảng bá để tạo ưu thế sẽ là bài toán lớn đặt ra đối với du lịch Việt Nam.
Về vấn đề xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, du lịch nội địa vẫn sẽ là ưu tiên trước nhất, tiếp đó, mới tiến tới mở cửa thị trường quốc tế. Diễn biến dịch bệnh khó lường, việc xác định thị trường trọng điểm, nhu cầu, thị hiếu, kế hoạch xúc tiến cần phân định để tăng cường hiệu quả.
Khi du lịch thế giới phục hồi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu, cần tranh thủ cơ hội là yêu cầu đặt ra đối với du lịch Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, trong lĩnh vực du lịch, không thể ngồi chờ đến khi không còn COVID-19 mà phải thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả. Trên cơ sở sơ kết thí điểm đón khách quốc tế, ngành đề xuất Chính phủ lộ trình mở cửa lại thị trường đón khách quốc tế phù hợp khi độ bao phủ vaccine đầy đủ...
Theo các doanh nghiệp du lịch, hiện các đơn vị này đã sẵn sàng để đón khách trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Ông Lương Tuấn Thịnh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần du lịch H’mong Village (Hà Giang) cho biết, H’mong Village đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết về sản phẩm, nhân sự để đón khách trong năm 2022, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán này.
Đến nay, lượng khách đặt phòng nghỉ dưỡng tại H’mong Village gần như kín. Dự kiến cuối tháng 1/2022 H’mong Village sẽ đưa vào hoạt động khu du lịch dịch vụ cao cấp có tên gọi Bản Đề Chia, với quy mô 20 căn Bungalow, tương ứng như 20 dòng họ người Mông tại Hà Giang. "Hy vọng những sản phẩm mới sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Mông trên cao nguyên đá Hà Giang" - ông Thịnh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc kinh doanh Hava Travel, thành phố Đà Nẵng cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, doanh nghiệp du lịch đã "thử nghiệm" tour du lịch mới như city tour ngắn ngày ở các quận, huyện trong thành phố… để chuẩn bị đón làn sóng du lịch nội địa và quốc tế trong năm 2022.
Ngoài ra, công ty tổ chức các chương trình khảo sát, xây dựng các chương trình du lịch đến vùng Tây Bắc thu hút nhiều du khách tham gia.
"Với những tour du lịch mới này không chỉ tạo sức hút với khách trong nước mà còn với cả du khách quốc tế và Việt kiều trong năm 2022"- ông Nguyễn Thanh Hưng kỳ vọng.
Việt Nam đã có độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 lớn thứ 6 trên thế giới. Đó cũng là cơ sở để ngành mạnh dạn tham mưu mở cửa du lịch, song song kiểm soát an toàn dịch. Bên cạnh đó, ngành cần chú ý nhiều hơn đến du lịch nội địa, cùng các địa phương tạo ra sản phẩm mới, liên kết an toàn; triển khai sớm, nhanh chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch...
Đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam
Trọng tâm trong năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch; trong đó, sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, đạt hơn 150% so với năm 2021, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành du lịch tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19; thống nhất các quy định và quy trình kiểm soát, đảm bảo an toàn giữa các tỉnh/thành trong cả nước; đồng thời đổi mới chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch tiến hành triển khai kế hoạch, đề án phục hồi, phát triển du lịch phù hợp với bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, ngành hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp du lịch có cơ hội phục hồi và phát triển; đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư và đổi mới công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Ngành tăng cường hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu của thị trường trong trạng thái bình thường mới.
Ngành cũng tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực dựa trên việc rà soát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực du lịch hiện nay; tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi và phát triển của ngành. Ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ phát triển du lịch thông minh, xây dựng các sản phẩm “du lịch không chạm”.
Ngành du lịch tiếp tục, tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch trong nước cũng như nước ngoài, hướng tới các thị trường mục tiêu góp phần nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới; xây dựng và triển khai đề án phát triển một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế.
Ngành du lịch cũng xây dựng lộ trình tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2024 và các giai đoạn đến 2030-2040; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh; từng bước mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến trong Chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, phù hợp với tình hình dịch COVID-19.
Ngành du lịch cũng xây dựng, ban hành quy định và hướng dẫn áp dụng một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch về: tiêu chuẩn, quy định quản lý đối với kinh doanh loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn và một số loại hình du lịch mới.
Đồng thời, tập trung xây dựng lộ trình tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024 và các giai đoạn đến 2030 - 2040. Ngành từng bước mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến trong chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, phù hợp với tình hình dịch COVID-19.
Năm 2021 là năm thứ 2 ngành du lịch Việt Nam chịu sự tác động bởi đại dịch, mọi hoạt động gần như bị đình trệ. Trải qua liên tiếp các đợt dịch và nhất là đợt dịch thứ 4 kéo dài đã khiến các doanh nghiệp lâm vào tình cảnh kiệt quệ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lớn lao động trong ngành du lịch thất nghiệp hay chuyển việc.
Tổng thu từ khách du lịch năm 2021 ước đạt 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2020. Ước tính đóng góp GDP của ngành du lịch năm 2021 chỉ đạt 1,97%; trong khi năm 2020 đạt 3,58%.