Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực du lịch và môi trường, tạo ra không gian chất lượng để thảo luận về đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi xanh trong ngành du lịch Việt Nam.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, tại Việt Nam tác động tiêu cực của Biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch. Do vậy, du lịch Việt Nam đã từng bước triển khai du lịch xanh, loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người.
Ông Vũ Thế Bình cũng cho biết, trong nhiều năm nay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động nhiều phong trào, hoạt động, đưa du lịch xanh vào thực tế cuộc sống và được các doanh nghiệp du lịch cả nước hưởng ứng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp, địa phương đã đạt được thành tích cao trong giảm thiểu rác thải nhựa.
Tại hội thảo, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia, đánh giá cao những giải pháp về công nghệ, vật liệu, hành động về chương trình điểm đến xanh, sản phẩm xanh, ứng xử xanh với môi trường và con người mà các doanh nghiệp du lịch đã và đang cụ thể hóa bằng hành động thực tiễn. Ông Hà Văn Siêu cũng kỳ vọng, tín hiệu tích cực này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn, trở thành phong trào, dấu mốc thành tựu của ngành du lịch.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào một số các vấn đề gồm: Quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả;) du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp và du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
Ông Patrick Haverman cũng nhấn mạnh, UNDP sẵn sàng hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các bên liên quan khác trong quá trình chuyển biến Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch có trách nhiệm và có tính cạnh tranh. Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ đóng vai trò là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của Việt Nam cho các thế hệ mai sau.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại diện hiệp hội du lịch các địa phương, các đơn vị đã có những tham luận, nội dung tập trung vào nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh, giải pháp và mô hình thực tiễn, cũng như vai trò của các bên liên quan. Từ đó, đi đến những kế hoạch hành động cụ thể, đưa du lịch Việt Nam vào hướng phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.