Giai đoạn 2016-2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng khá nhanh và ổn định, mức tăng bình quân đạt 10,1%/năm, hoàn thành vượt chỉ tiêu về tốc độ tăng trung bình từ 8-10%/năm. Mức tăng trưởng bình quân khách du lịch quốc tế đạt 21,2%/năm, hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu khách du lịch quốc tế tới Hà Nội đến năm 2020 đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TU. Thị phần khách quốc tế đến Hà Nội ngày càng lớn, chiếm 39,6% so với cả nước; khách du lịch nội địa tăng trưởng bình quân đạt 7,5%/năm.
Tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch bình quân đạt 17,6%/năm, hoàn thành chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng bình quân từ 15-17%/năm Nghị quyết 06 đề ra. Chỉ tiêu công suất sử dụng phòng trung bình 60-65%, hoàn thành Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra.
Tuy vậy, năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, lượng khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1,11 triệu lượt khách, giảm 84,2% so với năm 2019; khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 7,54 triệu lượt khách, giảm 65,6% so với năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước tính giảm 73% so với năm 2019; công suất sử dụng phòng trung bình toàn khối khách sạn ước đạt khoảng 29,9%, giảm 39,6 % so với cùng kỳ năm 2019…
Cũng trong giai đoạn này, thành phố đã đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch ở các cấp, ngành và nhân dân; tập trung rà soát và thực hiện tốt công tác Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Công tác đầu tư phát triển và kinh doanh du lịch được chú trọng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đang dần được xây dựng đồng bộ. Các dự án đầu tư phát triển du lịch được quan tâm xúc tiến đầu tư.
Tuy nhiên, các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch chịu tác động lớn của dịch COVID-19, dẫn đến không hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU đề ra vào năm 2020. Chất lượng dịch vụ du lịch tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu sản phẩm trải nghiệm phục vụ du khách. Ngoài ra, còn thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các ngành liên quan với ngành du lịch trong việc bảo tồn, tôn tạo và khai thác tài nguyên, nâng cấp điểm đến du lịch.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2019, ngành du lịch đóng góp 12,54% vào GRDP của thành phố. Năm 2020 do lượng khách sụt giảm, ngành du lịch chỉ đóng góp được 3,4% vào GRDP của thành phố. Hơn nữa, mức độ thiệt hại của ngành du lịch Thủ đô lớn hơn mức bình quân của cả nước. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch Hà Nội cần tái cơ cấu lại, từ quản lý nhà nước, môi trường du lịch, sản phẩm, hạ tầng cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch... Nếu không khẩn trương thực hiện, ngành du lịch sẽ tụt hậu so với các địa phương khác và ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của thành phố. Bởi thực tế, sự phục hồi ngành du lịch là nhân tố quyết định đến mục tiêu tăng trưởng của thành phố năm 2021.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ giao ngành du lịch nghiên cứu đề xuất hướng tái cơ cấu ngành du lịch giai đoạn 2021-2025; lập kế hoạch phục hồi, phát triển năm 2021 theo tinh thần tập trung, nỗ lực thu hút khách du lịch nội địa đến với Thủ đô và thu hút khách Hà Nội tham quan tại Hà Nội. Khi mở cửa đón khách quốc tế trở lại, ngành du lịch Thủ đô sẽ ở trong một tâm thế mới, có sự chuyển biến tốt về sản phẩm du lịch, nhân lực, hạ tầng, môi trường du lịch… tính chuyên nghiệp cao hơn, phông văn hóa sẽ tốt hơn.
Trong đó, ngành du lịch cần xây dựng bộ sản phẩm du lịch phù hợp, tập trung phát triển du lịch mice (du lịch hội nghị, hội thảo) quy mô lớn; tổ chức các sự kiện du lịch văn hóa như: Festival hoa, ẩm thực, áo dài, chọn đại sứ du lịch, phát triển du lịch học đường, du lịch làng nghề… Bên cạnh đó, ngành du lịch Thủ đô cần ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa điểm tham quan, xây dựng quy chế kết nối các ngành với nhau…
Tại hội nghị, đại diện Tổng cục Du lịch, các Hiệp hội Du lịch, sở, ngành của thành phố cũng như doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn Hà Nội đề xuất nhiều giải pháp phục hồi, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô, trước mắt tập trung vào khách du lịch nội địa. Trong đó, vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù được đề cập nhiều trong thời điểm này, vì đó là yếu tố quan trọng hàng đầu để hấp dẫn du khách.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, muốn du khách đến và ở lại đông hơn, Hà Nội cần có sản phẩm du lịch hấp dẫn, tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch lớn. Ông Bình cũng đề nghị, Hà Nội phát triển du lịch mice vì không chỉ có đại biểu nước ngoài tham dự hội nghị mà khi về nước, họ lan tỏa hình ảnh Thủ đô đến bạn bè, người thân và Hà Nội có thể tranh thủ lượng lớn giới truyền thông tham dự du lịch mice.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours cũng khẳng định, các doanh nghiệp khi tham gia kích cầu du lịch đã giảm giá mạnh nên hiện nay không thể tiếp tục giảm nữa mà phải xác định xây dựng sản phẩm du lịch mới. Khi xây dựng cần xác định nhu cầu mỗi thị trường khách để có những sản phẩm phù hợp và cần kiên kết với các địa phương khác cùng xúc tiến sản phẩm.
Năm 2021, Hà Nội phấn đấu lượng khách nội địa đạt từ 50 - 70% trở lên so với năm 2019, tương ứng đạt từ 10,96-15,34 triệu lượt khách; khách quốc tế đạt từ 2,2-3,7 triệu lượt khách. Tổng lượng khách du lịch sẽ đạt khoảng từ 13,16-19,04 triệu lượt. Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ từ 35-39 triệu lượt khách du lịch, trong đó có từ 8-9 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 151 nghìn tỷ đồng.