Đại diện Công ty du lịch Transviet giới thiệu việc áp dụng quy định ứng xử văn minh du lịch của đơn vị trong thời gian qua. |
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết: “Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng vừa được Hà Nội ban hành, trong đó có đề cập đến ứng xử nơi thăm quan du lịch như điểm di tích, bảo tàng, quán ăn…. Nội dung quy tắc mang tính định hướng trong ứng xử nên viết ngắn gọn nhưng bao hàm nghĩa rộng. Đơn cử, như quy tắc có nêu “tôn trọng không gian chung cộng đồng”.
Điều này đồng nghĩa mọi người tôn trọng quy tắc ứng xử chung, tuy nhiên mới đây có một tạp chí đăng hình một Á hậu ngồi trên đầu rùa ở Văn Miếu và chú thích: "Thiếu nữ bên bia tiến sĩ”. Điều này rất phản cảm, nhất là đăng ngay trang bìa tạp chí. Hình ảnh này cho thấy người được chụp đã sai, ê kíp rồi tạp chí đăng tải cũng sai và tạo hiệu ứng không tốt. Do đó bộ quy tắc đưa định hướng ứng xử nơi cộng cộng để mọi người tuân theo Việc chấp hành quy tắc này phải từ ý thức của mỗi người và cộng đồng".
Đứng ở góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty du lịch Transviet cho rằng, ngay sau chương trình phát động nâng cao hình ảnh du khách Việt tại Hội chợ VITM 2016, công ty đã tổ chức nhiều hoạt động triển khai như gửi kèm bản quy tắc ứng xử văn minh đô thị cùng với chương trình tour, đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên để tuyên truyền tới du khách, phát động chương trình làm sạch rác tại công viên Yên Sở.
“Chúng tôi coi đây là nội quy bắt buộc phải thực hiện khi Hướng dẫn viên đi tour, nếu để xảy ra vi phạm thì sẽ có chế tài cắt một ngày công tác phí. Còn tại công viên Yên Sở, thay vì đi nhặt rác, chúng tôi phát túi nilong để cho các đoàn khách vào vui chơi tại công viên. Nhờ đó lượng khách vứt rác bừa bãi đã giảm đi đáng kể”, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết.
Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng: “Để nhân rộng, bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch cần được làm ngắn gọn, có hình ảnh minh họa để du khách dễ nhận biết. Đồng thời, Tổng cục Du lịch coi đây là tiêu chí đánh giá khi trao các giải thưởng của ngành để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện”.
Còn ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc HanoiRedtours cho rằng, chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt rất có lợi với doanh nghiệp lữ hành bởi nếu thực hiện tốt sẽ hạn chế những sự cố khiến công ty phải giải quyết, đồng thời tạo thiện cảm tốt cho nhà cung cấp dịch vụ như tài xế, nhà hàng… từ đó phục vụ tốt hơn. Thực tế, nhiều tài xế từng phản ứng rất mạnh khi du khách xả rác ra xe, hay du khách đến muộn quá họ phải đi lòng vòng và bị cảnh sát giao thông bắt phạt…
“Trước khi có chế tài xử phạt thì Hiệp hội du lịch Việt Nam với sự đồng hành của báo chí đưa những hình ảnh phản cảm có địa chỉ cụ thể để chấn chỉnh kịp thời sai phạm. Các công ty lữ hành nên có cơ chế giám sát, phản ánh một cách tích cực, xây dựng”, ông Nguyễn Công Hoan cho biết.
Đứng ở góc độ hướng dẫn viên, anh Nguyễn Hồng Nguyên (Hanoitourist) cho rằng cần có chế tài xử phạt, thực tế đi dẫn khách các điểm đến nước ngoài, nước nào có quy chế xử phạt nghiêm thì khách chấp hành nghiêm, còn nước nào “nới lỏng” thì y như rằng lại xả rác, không xếp hàng.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá :”Vấn đề văn hóa, ứng xử văn minh trong khi đi du lịch ngày càng quan trọng trong bối cảnh đời sống vật chất ngày càng nâng cao. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đã có quy định của công ty về ứng xử văn minh khi đi du lịch cho thấy đây là nhu cầu bức xúc đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng. Đây là vấn đề cần thực hiện lâu dài.
Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch giao cho Tổng cục du lịch soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch từ tháng 8/2016. Sau khi lấy ý kiến các doanh nghiệp và hiệp hồi, bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch đã được ban hành vào ngày 17/3/2017. Trên cơ sở bộ quy tắc, Tổng cục Du lịch sẽ có cuộc phát động đến các doanh nghiệp du lịch.
“Năm 2016 được Tổng cục Du lịch xác định là năm nâng cao chất lượng lưu trú, còn năm 2017 được ngành xác định là năm chấn chỉnh hoạt động lữ hành. Tổng cục Du lịch sẽ triển khai quyết liệt chương trình này trong thời gian tới để từ đó tạo ra chuyển biến thực sự trong nâng cao văn minh du lịch. Để thực hiện được vấn đề này sẽ cần vào cuộc đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước, đào tạo, doanh nghiệp, hiệp hội, truyền thông. Tổng cục Du lịch cũng xác định đưa tiêu chí áp dụng bộ quy tắc ứng xử văn minh đô thị vào xét duyệt các giải thưởng của ngành”, ông Ngô Hoài Chung khẳng định.