Cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần chống lại loại hình kinh doanh không lành mạnh

Ngày 7/4, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức tọa đàm “Triển khai Nghị quyết 08-NQ/TƯ đối với các doanh nghiệp du lịch”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch giới thiệu về Nghị quyết 08.

Nghị quyết 08 NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đang được các tỉnh thành, hiệp hội quán sớm triển khai đi vào cuộc sống. Hiệp hội du lịch Việt Nam cũng đã xây dựng chương trình hành động bởi doanh nghiệp du lịch chính là trụ cột trong ngành kinh tế du lịch và là lực lượng quyết định mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2020 đón được 17-20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp 10% GDP, tổng thu du lịch đạt 35 tỷ USD.

Một trong những hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp du lịch để thực hiện Nghị quyết 08 là cần lên tiếng, đấu tranh, loại bỏ một số loại hình du lịch không lành mạnh, trốn thuế, điển hình như tour 0 đồng.

Đồng thời, các doanh nghiệp mạnh dạn cơ cấu lại tổ chức theo hướng kinh tế thị trường và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. “Các doanh nghiệp tập trung xây dựng và triển khai thực hiện dịch vụ du lịch khoa học, hợp lý, kinh tế, trong đó áp dụng các công nghệ mới (online, multimedia) nâng cao hiệu suất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực quản bá, bán hàng, phù hợp với xu thế thế giới”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam đề xuất.


Các doanh nghiệp cần tích cực tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp để góp phần hoàn thiện các chính sách trước khi ban hành. “Một điểm đáng lưu ý trong Nghị quyết 08 có quy định: Đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay, để tạo bước đột phá cho phát triển du lịch, nếu chưa có văn bản pháp luật quy dịnh hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm. Đây là quy định rất có lợi cho ngành du lịch vốn là ngành tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành mà trước đây khi triển khai luôn bị vướng”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.


Từ quy định này, chính sách visa điện tử (e visa) đã được triển khai thí điểm từ đầu tháng 2/2017. Đây là chính sách đầu tiên vận dụng linh hoạt của Nghị quyết 08. "Thời gian tới sẽ là chính sách liên quan đến Quỹ phát triển du lịch để tạo nguồn lực cho xúc tiến quảng bá và hàng loạt chính sách khác đang được ngành du lịch đề xuất. Để chính sách này đi vào thực tiễn thì cần sự tham gia của doanh nghiệp đóng góp ý kiến cũng như cùng chung tay thực hiện”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.


Ông Nguyễn Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Nghị quyết 08 đánh giá rõ vai trò của du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, bản chất của ngành du lịch. Trước đây, nhiều ngành coi du lịch là ngành dịch vụ nay đã được Đảng và Nhà nước khẳng định là ngành dịch vụ mang tính kinh tế tổng hợp. Để Nghị quyết 08 đi vào cuộc sống, doanh nghiệp du lịch phải có tiếng nói, mạnh dạn lên tiếng loại bỏ những loại hình du lịch không phù hợp, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam có tiếng trên thị trường du lịch thế giới… Vì vậy, Hiệp hội du lịch Việt Nam sẽ là diễn đàn, đầu mối tham mưu cho Đảng, Chính phủ để chính sách phát huy hiệu quả hơn trong thực tế để du lịch Việt Nam phát triển vươn tầm thế giới và đóng góp phát triển kinh tế đất nước.


Bài, ảnh: Xuân Cường
Mở rộng thị trường du lịch, tạo thêm nguồn sống cho doanh nghiệp
Mở rộng thị trường du lịch, tạo thêm nguồn sống cho doanh nghiệp

Trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2017, ngày 6/4 đã diễn ra Đại hội đại biểu Hiệp hội du lịch Việt Nam nhiệm kỳ IV (2017-2022). Tại đại hội nhiều đại biểu đề nghị Hiệp hội cần chú trọng hoạt động mở rộng thị trường khách, tạo dựng sản phẩm mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN