Chào đón năm 2012, các trung tâm du lịch lớn đều tổ chức nhiều hoạt động chào đón du khách “xông đất” năm mới với kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhiều đoàn khách trong năm 2012. Sau khi Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 chính thức được Thủ tướng phê duyệt những ngày cuối cùng của năm 2011, ngành du lịch đã có những động thái đầu tiên cho sự phát triển bền vững.
Liên kết hợp tác trung tâm du lịch
Ngay từ ngày 1/1, các trung tâm du lịch lớn trong cả nước và doanh nghiệp lữ hành hàng đầu đều tổ chức các hoạt động đón khách. Tại cảng tàu Bãi Cháy - Hạ Long, Sở VH,TT&DL Quảng Ninh đã đón tiếp ba đoàn Trung Quốc, Nhật Bản và đoàn khách đa quốc tịch của Saigontourist với gần 1.000 khách du lịch xông đất, tham quan vịnh Hạ Long bằng đường biển từ tàu SuperStar Aquarius, đi tuyến Huế - Hạ Long. Được biết, trong ngày 1/1, đã có khoảng 7.000 du khách tham quan vịnh Hạ Long, trong đó khách quốc tế chiếm trên 80%.
Tàu StarCruise đậu trong vịnh Hạ Long. |
Cũng trong ngày 1/1, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ đón các đoàn khách quốc tế đầu tiên đến trung tâm du lịch này, đến từ Đức và Anh trên chuyến bay của Vietnam Airlines. Riêng Vietravel đón 3 đoàn khách Nhật Bản trong ngày 1/1 với hành trình khám phá nhiều thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam như vịnh Hạ Long, phố cổ Hà Nội trong năm mới 2012. Trong đó có một đoàn sẽ đến TP Hồ Chí Minh và hai đoàn đến Hà Nội. Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Vietravel: “Điểm đáng chú ý của khách Nhật Bản là mức chi tiêu của họ khá lớn, đồng thời họ còn có lộ trình liên tuyến nhiều quốc gia như Campuchia - Việt Nam - Thái Lan… Vì vậy, khuynh hướng hợp tác khai thác liên vùng đang mở ra cơ hội cho các nước, khi cùng khai thác các thị trường khách này. Trung bình mỗi tháng Vietravel đón trên 1.000 khách Nhật Bản. Điều đáng mừng là tuy gặp nhiều biến động lớn trong đợt động đất và sóng thần năm 2011, nhưng lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam vẫn tăng 9% trong năm và tiếp tục được xác định là một trong 8 thị trường trọng điểm cần tập trung khai thác trong năm 2012.
Sự kiện du lịch đáng chú ý nhất trong ngày đầu năm 2012 tại Hà Nội là Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Sở VH,TT&DL Hà Nội với 10 tỉnh, thành trọng điểm về du lịch trong cả nước, gồm TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Lào Cai, Lạng Sơn. Đây là căn cứ để Hà Nội và các tỉnh, thành cùng hỗ trợ nhau trong công tác quản lý nhà nước; gắn kết, bổ sung cho nhau tạo ra những sản phẩm độc đáo, chất lượng hình thành tour liên tuyến; đồng thời cùng xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo nhân lực…
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, đây là lần đầu tiên, 10 trung tâm du lịch lớn của cả nước cùng nhau hợp tác liên kết. Tổng cục Du lịch luôn ủng hộ xu hướng liên kết vùng để có những sản phẩm du lịch đặc trưng có tính cạnh tranh. Để việc liên kết có hiệu quả, cần có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và Tổng cục sẽ đứng ra đóng vai trò làm nhạc trưởng để việc liên kết đi vào thực chất. Dựa trên thực tế từng địa phương, từng tỉnh sẽ triển khai việc hợp tác, hỗ trợ từng vấn đề cụ thể. Từ năm 2012, Tổng cục Du lịch coi xây dựng phát triển điểm du lịch là sản phẩm du lịch trọng điểm.
Tìm hướng phát triển bền vững
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, sau khi Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12, ngành du lịch sẽ sớm hoàn thành “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, trong đó cùng với các trung tâm du lịch lớn trong cả nước hoàn thành quy hoạch chi tiết từng vùng. Các địa phương cần tuân thủ quy hoạch này để phát triển du lịch bền vững, bởi theo kinh nghiệm phát triển du lịch giai đoạn trước cho thấy, các địa phương không tuân thủ đúng quy hoạch sẽ gặp những rào cản về các vấn đề ô nhiễm môi trường, xung đột lợi ích với cộng đồng địa phương.
Với sự đa dạng về địa hình, nhất là có bờ biển dài, Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng du lịch biển và đó là cơ hội để tiếp thị du lịch đối với du khách. “Nhìn chung nhiều tỉnh, thành có bờ biển đẹp, đặc biệt là khu vực miền Trung và Nam Trung bộ. Điều cần chấn chỉnh chính là việc tư hữu hóa quyền sử dụng bãi biển hiện nay, cần tạo cho du khách sự thoải mái, có sự quan tâm nhiều hơn để bảo vệ môi trường và những qui định trong việc tái tạo mỹ quan môi trường tại các khu du lịch”, ông Nguyễn Minh Mẫn cho hay.
Để thu hút khách đến Việt Nam trong năm 2012 và các năm tiếp theo, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng: “Trước hết là việc tăng cường khai thác thị trường nguồn tại các nước tiềm năng. Kế đến là xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp với từng thị trường, quốc gia và loại hình du lịch của du khách. Thứ ba là nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm đa dạng và nhiều nét độc đáo riêng có. Có như vậy mới nâng cao việc chi tiêu của khách, từ đó tạo nguồn thu lớn từ du lịch”.
Bài và ảnh: Xuân Cường