Cứ vào mùa du lịch đón khách quốc tế (từ cuối tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau), loại hình tour giá rẻ lại được quảng bá tràn lan trên mạng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm và hình ảnh du lịch Việt Nam.
Giảm giá, giảm chất lượng
Vừa trở về Hà Nội sau khi tham gia tour Hạ Long ghép khách, anh Antonio, người Pháp, nhận xét chất lượng tour “tạm được”. “Chất lượng dạng open tour này đã được mô tả chi tiết trên các diễn đàn mạng nên không bất ngờ. Tuy nhiên, thái độ nhân viên phục vụ không chuyên nghiệp và chất lượng khách sạn tại Hà Nội không như trong giới thiệu”, Antonio chia sẻ.
Khách du lịch chọn tour giá rẻ thường chịu nhiều thiệt thòi khi bị cắt giảm dịch vụ.Lê Phú |
Đối tượng tìm đến tour giá rẻ thường là khách có thu nhập thấp và có chút kinh nghiệm đi du lịch. Du khách có thể khảo sát giá trên mạng hoặc đặt tour giá rẻ tại khu phố cổ Hà Nội, hay tại khu phố “tây ba lô” Phạm Ngũ Lão (TP Hồ Chí Minh). “Đương nhiên giá quá thấp thì chất lượng cũng giảm theo. Đơn cử như City tour Hà Nội hiện giá khoảng 75 - 80USD/khách, nhưng giá bán của các văn phòng tour trong phố cổ giá chỉ tầm 45 USD/khách. Với giá này chỉ đủ tiền thuê xe và bữa ăn “bình dân”. Đương nhiên, để có tiền “hoa hồng”, HDV sẽ dẫn khách đi shopping ép khách phải mua hoặc cấu kết tăng một số dịch vụ khác”, anh Nguyễn Xuân Quỳnh, một điều hành tour, cho biết.
Đáng lo ngại nhất hiện nay là cuộc cạnh tranh về giá trên mạng của nhiều doanh nghiệp lữ hành nhỏ lẻ. Anh Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Công ty Du lịch tầm nhìn cho biết: “Hiện rất nhiều khách tìm giá rẻ trên mạng rồi gửi thư đề nghị đơn vị lữ hành báo giá tour để so sánh. Sau đó, họ thông báo lại với đơn vị lữ hành về giá tour rẻ và đề nghị giảm giá. Tuy nhiên đơn vị tôi từ chối giảm vì giảm nữa đồng nghĩa với việc phải cắt giảm dịch vụ. Chính vì vậy, khi thấy đối tượng khách yêu cầu giảm giá quá mức giá land (giá sàn), thì đơn vị chúng tôi từ chối, vì khó đảm bảo dịch vụ đi kèm”.
Quả thật, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp lữ hành, việc bán tour trên mạng khá phổ biến và kèm với đó là giá cũng “loạn” hơn bao giờ hết. Nhiều doanh nghiệp mới nhỏ lẻ, sẵn sàng chào dưới giá land theo phương châm: Cứ đưa khách vào rồi “chặt chém” sau. Điều này đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm và hình ảnh du lịch Việt Nam.
Mới đây Thanh tra Bộ VHTTDL và Sở VHTTDL Hà Nội đã kiểm tra hơn 10 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn, kết quả cho thấy hầu hết đều sai phạm trong việc quảng cáo trên mạng. Phổ biến là hiện tượng các đơn vị không có giấy phép lữ hành quốc tế, nhưng vẫn quảng cáo bán và tổ chức tour trái phép.
Cần xử phạt mạnh tay
Theo thống kê của Hiệp hội du lịch Việt Nam, cả nước có trên 1.000 công ty lữ hành quốc tế và trên 10.000 công ty lữ hành nội địa. Số đơn vị hoạt động hiệu quả chỉ khoảng 30%.
“Hiện các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh du lịch là do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép và có nghĩa vụ thông báo tới của Sở VHTTDL, nếu kinh doanh lữ hành quốc tế xin giấy phép Tổng cục Du lịch. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lữ hành chỉ có giấy phép kinh doanh nội địa nhưng thường xuyên quảng bá tour trong và ngoài nước. Việc này khiến nhiều du khách phải tham gia tour chất lượng không đảm bảo, phần lớn khi xảy ra sự cố mới phát hiện ra sai phạm, điển hình như vụ công ty Travel Life bỏ rơi gần 700 khách tại Thái Lan trong tháng 6 vừa qua. Đơn vị này không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế”, ông Nguyễn Hữu Bắc, Phó Chủ tịch CLB du lịch Thái Lào bằng đường bộ, chia sẻ.
Thậm chí các doanh nghiệp nhỏ lẻ còn làm ăn chụp giật theo mùa, cứ đến mùa du lịch, họ lại bung ra, dùng chiêu giá rẻ để dụ khách. “Một trong những cách họ làm là “khai sinh” một số công ty có tên na ná các thương hiệu nổi tiếng để lừa gạt khách”, anh Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Vietravel, cho hay.
Giá dịch vụ du lịch vận hành theo cơ chế “thuận mua, vừa bán” nên để tránh bị lừa bởi tour giá rẻ, người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông thái. Anh Nguyễn Xuân Quỳnh lấy ví dụ, tour đi Thái Lan từ Hà Nội, bình thường giá land khoảng 8 triệu đồng (tour 5 ngày, 4 đêm), tuy nhiên, nếu đơn vị nào báo dưới giá này dễ có vấn đề, cần cảnh giác. Trước khi đặt tour, khách hàng phải xem kỹ các điều kiện kèm theo, càng chi tiết càng tốt.
Bên cạnh việc kêu gọi khách hàng đề cao cảnh giác, thì ngành chức năng cần tăng cường quản lý kiểm tra. “Những doanh nghiệp du lịch làm ăn chân chính rất muốn các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm soát thị trường, xử phạt nghiêm các doanh nghiệp du lịch sai phạm, nhưng thực tế hiện nay chỉ khi nào xảy ra sự cố với sự tố giác của khách hàng, cơ quan chức năng mới vào cuộc”, ông Nguyễn Hữu Bắc, nhận xét.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 18 về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Theo đó, các địa phương có điểm du lịch cần sớm thành lập Trung tâm hỗ trợ du khách; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở doanh nghiệp du lịch, dịch vụ tuân thủ đúng hệ thống tiêu chuẩn dịch vụ của ngành; tăng cường tuyên truyền và phát huy vai trò của các hiệp hội để cung cấp thông tin, phối hợp quản lý môi trường kinh doanh du lịch an toàn, chống chèo kéo, làm ăn chụp giật. Đây là công việc thường xuyên cần sự vào cuộc cần quyết liệt của địa phương và ý thức của cả cộng đồng trong đấu tranh với vấn nạn này.
Xuân Minh