Việc số hóa sẽ được đẩy mạnh thực hiện tại các điểm tham quan du lịch như: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Hội trường Thống Nhất, Bưu điện trung tâm Thành phố, Bào tàng Hồ Chí Minh… Những địa điểm tham quan này sẽ được hỗ trợ thực hiện bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo… và ứng dụng công nghệ QR Code tương tác trực tiếp để tạo ra cách tiếp cận mới cho du khách khi đến đây.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, vừa qua, đã có một số bảo tàng, điểm tham quan bắt đầu tiếp cận đến công nghệ để tăng trải nghiệm du khách, nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong đó, việc ứng dụng mã QR Code vào trải nghiệm du lịch bảo tàng giúp du khách thích thú và hài lòng. Khi ứng dụng công nghệ này, những thông tin cụ thể về các hiện vật, hình ảnh lịch sử được thể hiện đầy đủ, cụ thể và đa chiều đến du khách. Vì vậy, Sở tiếp tục kêu gọi, khuyến khích các điểm đến tham quan, du lịch thực hiện số hóa để góp phần phát triển du lịch thông minh của thành phố trong năm 2021.
“Ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ các điểm đến đẩy mạnh việc chuyển đổi số hóa, hiện nay Sở cũng đang chuẩn bị cho chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua kế hoạch truyền thông chương trình “100 điều thú vị và khám phá TP Hồ Chí Minh”, xúc tiến cùng các phương thức mới đến những thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế. Trong quá trình thực hiện, ngành du lịch Thành phố tập trung ứng dụng hình thức truyền thông trực tuyến, triển khai các ứng dụng của bộ nhận diện thương hiệu du lịch TP Hồ Chí Minh đã được xây dựng, thiết kế; thực hiện sản xuất phim quảng bá điểm đến TP Hồ Chí Minh và phim ngắn về 2 đặc trưng của du lịch TP Hồ Chí Minh (ẩm thực và văn hóa, phong cách sống); thực hiện truyền thông đa phương tiện thương hiệu du lịch TP Hồ Chí Minh “Vibrant Ho Chi Minh City”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm.