Khách du lịch nước ngoài thăm quan lăng Vua Tự Đức. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Dịp này, du khách được trải nghiệm các hoạt động vui Xuân ở Hoàng cung Huế; trong đó điểm nhấn là không gian tái hiện các trò chơi cung đình ngày Tết.
Không gian vui Xuân đón Tết tập trung ở khu vực sân Điện Thái Hòa với các trò chơi vốn là thú tiêu khiển trong Hoàng cung triều Nguyễn xưa, như: Bài vụ, đổ xăm hường, đầu hồ, đối thơ, và trình diễn thư pháp… Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết, trong số các trò chơi vừa kể trên, đổ xăm hường là trò chơi gieo con xúc xắc để giành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa. Muốn chiến thắng, người chơi phải gieo xúc xắc để giành đủ các thẻ bài với các học vị: Tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên.
Thú chơi tao nhã, nhẹ nhàng này lại thêm một lần tô thắm tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa. Hoặc như chơi bài vụ, với chiếc vụ hình bát giác có 8 con vật; người chơi đặt cược theo con vật yêu thích, nếu chiếc vụ dừng lại và con vật nào nằm mặt trên thì chiến thắng. Các trò chơi này ban đầu từ cung đình nhà Nguyễn nhưng sau đó đã được người trong triều đưa ra dân gian và trở thành thú tiêu khiển trong Tết xưa của người dân Cố đô.
Việc thắp sáng Kỳ Đài Huế cùng với trải nghiệm việc bắn súng thần công từ tối 12/2 cũng là một điểm nhấn để thu hút du khách đến với Cố đô Huế; nhất là vào ban đêm. Theo ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án thắp sáng Kỳ Đài nằm trong chuỗi dự án "Huế - Sáng và sống" do Công ty VIETRAVEL đầu tư và phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mà Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là đơn vị tiếp nhận thực hiện. Đặc biệt, màn bắn súng thần công được người dân háo hức chờ đợi, bởi đây là một hoạt động độc đáo, tái hiện lại một trong những hình ảnh đặc sắc nhất, hoành tráng nhất trong lịch sử triều Nguyễn. Hy vọng rằng, từ nay trở đi, công trình sẽ trở thành một điểm nhấn mới cho du lịch Thừa Thiên - Huế.
Thực ra, không khí đón Tết trong Hoàng cung bắt đầu từ lễ dựng nêu từ ngày 23 tháng Chạp (nhằm ngày 8/2) để thu hút du khách thập phương. Lễ dựng nêu được tái hiện tại di tích Thế Miếu (Hoàng Cung Huế) và Điện Long An với nhiều nghi lễ cung đình xưa. Sau khi dựng nêu, báo hiệu cho không khí Tết đến. Sau khi dựng nêu, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (di tích Điện Long An), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn tổ chức chương trình "Hương xưa bánh Tết" với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ngoài chương trình gói bánh Tết xưa còn có không gian nghệ thuật với biểu diễn ca Huế, trình diễn thư pháp, tái hiện các trò chơi dân gian và cung đình. Khán giả được trải nghiệm và thưởng thức bánh, mứt, trà truyền thống của người Huế.
Về Huế đón Tết cùng gia đình, anh Lưu Phương Minh, một du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh hết sức thích thú với "Không gian trưng bày lăng Minh Mạng", mở cửa từ ngày 12/2, để được chiêm nghiệm thêm cuộc sống của các vua chúa triều Nguyễn xưa. Ở đây có sa bàn tổng thể giới thiệu khu vực lăng của Hoàng đế Minh Mạng tại nhà Tả Tùng Tự, cùng nhiều ảnh tư liệu quý hiếm. Bên cạnh đó, trọng tâm của nội dung trưng bày tại điện Sùng Ân được thể hiện qua các vật dụng một thời gắn bó với Hoàng đế Minh Mạng, các đồ dùng, dụng cụ minh họa cho những chính sách được ban hành và thực thi thời kỳ này.
Hoàng đế Minh Mạng (1791 –1841) húy Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ 4 của Thế Tổ Cao Hoàng đế Gia Long và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang. Là người thông minh, quyết đoán, tinh thông Nho học, Hoàng đế Minh Mạng đã đưa nước ta trở thành một quốc gia hùng mạnh với lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử dân tộc. Trong 20 năm tại vị, Hoàng đế Minh Mạng đã để lại một di sản vật chất và tinh thần to lớn mà nhiều bộ phận trong đó đã trở thành di sản của dân tộc và của nhân loại như: Các công trình kiến trúc, âm nhạc cung đình, các loại tài liệu mộc bản, châu bản, thơ văn chạm khắc trên kiến trúc cung đình Huế...
Năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục khai thác tốt tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản" (gồm Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế, vốn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới) để thu hút khách tham quan. Trong năm 2018, nhiều dự án bảo tồn, tu bổ di tích quan trọng sẽ được triển khai như: Dự án bảo tồn, phục hồi điện Kiến Trung; dự án bảo tồn hệ thống tường và cổng Tử Cấm thành (giai đoạn 1); bảo tồn, tu bổ và phục hồi lăng Dục Đức (hạng mục Tẩm điện và lăng mộ); bảo quản, tu bổ tổng thể Triệu Miếu (giai đoạn 2)...
Tháng 1/2018, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đón 302.000 lượt khách, trong đó có 262.000 lượt khách quốc tế, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng trong 3 ngày Tết Nguyến Đán Mậu Tuất 2018, dự kiến Trung tâm sẽ đón đạt hơn 30.000 lượt khách du lịch đến thăm khu di sản Huế, trong đó có hơn 80% là du khách quốc tế...