Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km, Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20. Khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, tạo nên một thế trận, một kỳ quan chiến đấu với các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm …
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, số du khách tới tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi tăng dần, tới nay đạt khoảng 80% so với trước kia. Theo anh Trịnh Cao Thắng, cán bộ Khu di tích, vào các ngày cuối tuần, số du khách lên tới trên 1.000 người/ngày. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, riêng ngày 29/4, đã có hơn 2.000 du khách trong nước và nước ngoài tới tham quan.
Khách tham quan được tới thăm 2 khu vực: Khu vực thứ nhất là vùng giải phóng với các điểm trưng bày tái hiện sinh hoạt, sản xuất của người dân. Khách tham quan có thể tham gia các trải nghiệm để hiểu về cuộc sống của người dân bản địa. Khu vực thứ 2 là khu địa đạo, với hệ thống hầm ngầm với các địa đạo chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, từ đường xương sống toả ra vô số nhánh dài ngắn, có những đoạn rất hẹp hoặc cấu trúc 2-3 tầng.
Dựa vào hệ thống đường ngầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và nhân dân Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ, chống lại mọi cuộc tấn công của kẻ thù.
Sau đây là một số hình ảnh tái hiện các trải nghiệm của du khách tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi:
Một trong những dấu mốc trong lịch sử chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam là cuộc hành quân Cedarfalls (tháng 1/1967) vào vùng đất thép Củ Chi. Mỹ huy động 30.000 quân trực tiếp chiến đấu với hơn 400 xe tăng, xe bọc thép, 800 tàu xuồng chiến đấu trên sông, hơn 100 khẩu pháo các loại và nhiều máy bay. Quân Mỹ tìm mọi biện pháp để có thể “bóc vỏ mặt đất”, phá cho được hệ thống địa đạo. Mỹ đưa máy ủi khổng lồ để xúc từng mảng địa đạo, dùng xe tăng hạng nặng để đè bẹp các địa đạo và dùng chó becgie để săn tìm cửa địa đạo, bơm nước sông Sài Gòn, xả hơi độc xuống địa đạo. Những đội quân “chuột đường hầm” gồm những lính Mỹ có vóc dáng nhỏ được đào tạo đặc biệt chui xuống địa đạo tìm Việt Cộng và đặt mìn phá hầm ngầm. Tuy nhiên, ngoài thành tích tàn phá vùng “Tam giác sắt”, triệt hạ Bến Súc, cuộc hành quân này không đạt được mục tiêu chính là tiêu diệt đầu não và các lực lượng của Quân khu Sài Gòn – Gia Định, xóa bàn đạp uy hiếp và tiến công Sài Gòn. Trong khi đó, khoảng 2.500 lính Mỹ, 200 quân Việt Nam Cộng hòa và 54 lính New Zealand bị loại khỏi vòng chiến đấu, 149 xe quân sự trong đó có nhiều xe tăng M-41, xe bọc thép M-113 và M-118 bị phá hủy, phá hỏng, 28 máy bay các loại bị bắn rơi và bị thương.