Song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội
Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, du lịch và hàng không là hai ngành có mối quan hệ gắn bó mật thiết, song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng. Đặc biệt, trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch mở ra nhiều cơ hội giao thương và thu hút đầu tư.
Du lịch Kiên Giang ngày càng khẳng định là ngành có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2019, tổng số lượt khách du lịch đến Kiên Giang đạt hơn 8,7 triệu lượt, tăng 13,8% so với năm 2018. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng lượt khách đến Kiên Giang đạt gần 5,2 triệu lượt, giảm 40%; tổng thu giảm xuống còn 7.867 tỷ đồng, so với năm 2019. Năm 2021, tỉnh thu hút hơn 3,1 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, giảm 41,8%; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 3.199 tỷ đồng, giảm 59,3% so cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là từ cuối tháng 6/2021, khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cụ thể, tăng trưởng quý III/2021 là - 6,58%, từ đó dẫn đến tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021 là - 0,15%, ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư, thương mại và du lịch năm 2021 của tỉnh. Năm 2021, tỉnh đã cấp mới quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án, với quy mô 59,9 ha, tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng (giảm 33 dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư giảm 20.202,48 tỷ đồng so với năm 2020).
Tuy vậy, với sự nỗ lực và chung tay, đồng lòng của các cấp chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, kết quả tăng trưởng kinh tế cả năm của tỉnh đạt 0,58%, vượt hơn dự kiến của kịch bản, xếp thứ 6/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thứ 2 vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, tạo tiền đề cho việc phục hồi và hướng đến phát triển sau đại dịch.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, việc kết nối, hợp tác cùng các hãng hàng không sẽ tạo thêm cơ hội để các doanh nghiệp hàng không sát cánh cùng với địa phương trong công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19. Sau ký kết bản ghi nhớ với các hãng hàng không, Kiên Giang sẽ tập trung vào giới thiệu, quảng bá tiềm năng và chủ trương phục hồi kinh tế của tỉnh sau đại dịch thông qua hợp tác phát triển thương mại, thu hút du khách và kêu gọi đầu tư nhằm đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế địa phương và phục hồi ngành hàng không.
Các hãng hàng không với bề dày kinh nghiệm và nguồn lực vững chắc, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở các thị trường mục tiêu, tin tưởng sẽ là đôi cánh thúc đẩy sự phát triển hơn nữa kinh tế - xã hội Kiên Giang trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế. Ông Bùi Quốc Thái hy vọng các hãng hàng không sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiên Giang trong việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch, quảng bá và thu hút đầu tư mang tầm quốc gia và quốc tế.
Mở rộng xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư
Bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang cho biết, thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh kết hợp với các hãng hàng không rất thuận lợi, nhất là trong hợp tác xúc tiến quảng bá du lịch, tổ chức sự kiện kích cầu các chương trình phát động du lịch kết hợp quảng bá thương mại, kêu gọi đầu tư ở thị trường trong và ngoài nước. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn hai năm qua ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang chú trọng ứng dụng công nghệ trong tiếp thị, thương mại điện tử, tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến hiện đại của các nhà đầu tư, tập đoàn đa quốc gia đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án trọng điểm như: nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; du lịch; phát triển có trọng tâm các lĩnh vực thương mại dịch vụ - giáo dục đào tạo - y tế chất lượng cao và phát triển kinh tế biển.
Kiên Giang tiếp tục phát triển thị trường cho các sản phẩm thương mại chủ lực có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh như nông sản và thủy sản; khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…; hướng đến các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi.
Tỉnh từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa, khôi phục lại các hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan của ngành Du lịch; xây dựng hình ảnh Kiên Giang là điểm đến an toàn, thân thiện; thu hút du khách quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống dịch COVID-19 tại một số khu vực như châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Australia… Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch đến thị trường tuyền thống trong nước có đường bay đến Kiên Giang như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh…; chú trọng nhóm khách "thị trường gần, khách hàng gần", đó là người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam.