Kỳ vọng từ những dự án mới
Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông là một trong các dự án trọng điểm của tỉnh Phú Thọ có quy mô gần 500 ha với tổng mức đầu tư 35 nghìn tỷ đồng (do Tập đoàn T&T Group làm chủ đầu tư). Dự án được quy hoạch sân golf 36 lỗ với 5 phân khu chức năng gồm: Khu sân golf Tam Nông 1 với diện tích gần 93 ha; Khu sân golf Tam Nông 2 diện tích gần 75 ha; Khu đô thị Quang Húc diện tích trên 37 ha; Khu đô thị Tam Nông diện tích trên 21 ha và Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng Tam Nông diện tích 272 ha.
Dự án được xây dựng kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn quốc gia và quốc tế về thể thao cao cấp, thu hút khách trong và ngoài nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Phú Thọ trở thành trung tâm vùng, một trong những địa phương phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Ông Quách Hải Lý, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, dự án được khởi công từ tháng 2/2022. Đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng đạt trên 70% diện tích. Huyện đang phối hợp với đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ san lấp mặt bằng thực hiện thi công các hố golf và đường golf, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Tổ hợp khoáng nóng 5 sao Wyndham Thanh Thủy Phú Thọ được chia thành 2 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1 với loạt công trình, tiện ích phụ trợ như công viên khoáng nóng, khu vui chơi giải trí, phố đi bộ, chuỗi nhà hàng, bể bơi vô cực… (dự kiến quý I/2023 sẽ hoàn thiện toàn bộ giai đoạn 1). Giai đoạn 2 triển khai xây dựng khu biệt thự cao cấp, liền kề thương mại Nara và mở rộng khu tiện ích (dự kiến giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện vào quý IV/2023). Theo chủ đầu tư, hiện giai đoạn 1 đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ theo đúng kế hoạch. Toàn bộ khu condotel quy mô 16 ha, 2 tòa căn hộ 5 sao cao 32 tầng với nhiều tiện ích như: công viên khoáng nóng, nhà hàng, phòng khám Đông Tây y trị liệu, spa chăm sóc sức khỏe, hồ cá Koi, khu vườn Nhật Bản đã hoàn thiện phần thô và đang trong quá trình lắp đặt thi công nội thất; dự kiến sẽ phục vụ khách hàng vào quý I/2023. Khi đưa vào sử dụng, đây sẽ là một trong những dự án nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe khoáng nóng đạt tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại miền Bắc.
Dự án Phố đi bộ - Khu nhà ở đô thị Tiên Cát (do Công ty cổ phần Tập đoàn sông Hồng Thủ đô làm chủ đầu tư) có diện tích 14,207 ha với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.486 tỷ đồng đi vào hoạt động sẽ tạo điểm nhấn, tăng thêm thiết chế cảnh quan, tạo thêm điểm vui chơi, mua sắm cho người dân và du khách khi đến thành phố Việt Trì, góp phần xây dựng địa phương sớm trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Niên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn sông Hồng Thủ Đô cho biết, dự án được tỉnh ủng hộ, tạo điều kiện trong giải phóng giúp cho nhà đầu tư triển khai đúng kế hoạch đề ra. Thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung nhân lực, nguồn lực để cố gắng hoàn thành và đưa dự án vào sử dụng sớm nhất, vượt kế hoạch nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn...
Ông Hồ Đại Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, thông thoáng, mới đây, Phú Thọ đã thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào phát triển du lịch. Sau khi hoàn thành, các dự án du lịch sẽ là những điểm tham quan hấp dẫn với dịch vụ chất lượng cao, thu hút du khách trong và ngoài nước; qua đó, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến địa phương. Đây cũng là điểm nhấn cho du lịch Phú Thọ, tạo đà thu hút các dự án đầu tư du lịch khác, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn mang tầm quốc gia và quốc tế...
Đưa du lịch khởi sắc
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, sau đại dịch COVID-19, hoạt động du lịch trên địa bàn đã phục hồi trở lại và khởi sắc sau nhiều năm bị ảnh hưởng. Năm 2022, doanh thu du lịch đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 136% so với cùng kỳ năm 2021; khách lưu trú ước đạt 5 nghìn lượt, tăng 125%.
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, ngay sau khi mở cửa trở lại, Sở đã triển khai các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch. Chỉ trong 9 tháng năm 2022, Phú Thọ đã tổ chức nhiều Chương trình xúc tiến quảng bá, kích cầu du lịch, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch thu hút du khách như: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022; đăng cai một bảng đấu vòng loại và trận đấu bán kết môn Bóng đá nam SEA Games 31 có Đội tuyển U23 Việt Nam; đăng cai vòng loại bảng F Giải Bóng đá U17 vô địch châu Á 2024, các trận đấu giao hữu quốc tế giữa U20 Việt Nam với U20 Hàn Quốc, U20 Palestines; đăng cai Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022; tổ chức Tuần Du lịch Thanh Thủy - mùa Thu năm 2022; đưa vào khai thác Siêu thị Du lịch nông nghiệp OCOP Phú Thọ tại chợ Trung tâm thành phố Việt Trì...
Ngành Văn hóa đẩy mạnh các hoạt động trong Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh; Hội nghị xúc tiến du lịch liên kết thị trường Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung; tổ chức và tham gia hơn 10 sự kiện, hội chợ xúc tiến liên kết du lịch Phú Thọ với Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; công bố tour du lịch học đường “Trở về nguồn cội”; tổ chức đón các đoàn khách du lịch quốc tế sau hơn 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, tổ chức các đoàn famtrip, presstrip… Nhờ đó, đã kích cầu hoạt động du lịch, thu hút du khách nội địa và quốc tế.
Các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ quan tâm đến công tác xây dựng và làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Nhiều nhà hàng, khách sạn lớn như Sen Vàng, Siêu thị Du lịch nông nghiệp OCOP Phú Thọ tại Chợ Trung tâm thành phố Việt Trì đã đón và phục vụ hàng chục ngàn lượt khách từ các tour du lịch của các đơn vị lữ hành miền Trung, miền Nam. Những khu điểm du lịch như Thanh Thủy, Vườn Quốc gia Xuân Sơn liên tục đón khách vào những ngày nghỉ cuối tuần và dịp nghỉ lễ với công suất sử dụng phòng đạt trên 90%...
Ông Bùi Văn Quang - Chủ tịch UBND Phú Thọ cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi thu hút mạnh đầu tư phát triển du lịch, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống, sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ, nhất là 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận; đồng thời, đẩy mạnh kết hợp chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội, các địa phương trong phát triển du lịch, dịch vụ và công nghiệp.
Năm 2023, tỉnh sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết hợp tác phát triển du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, lữ hành và phát triển các sản phẩm du lịch; khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, phát triển ngành du lịch của tỉnh từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án trọng điểm về hạ tầng du lịch như: Dự án Wyndham Thanh Thủy; Dự án Khu dân cư tại xã Sơn Thủy và xã Bảo Yên (huyện Thanh Thủy); Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông; Dự án Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì tại khu vực tiếp giáp Khu Di tích lịch sử Đền Hùng…
Theo ông Bùi Văn Quang, giai đoạn tiếp theo, tỉnh tiếp tục bố trí quỹ đất để đầu tư và kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, nghỉ dưỡng nhằm mở rộng, phát triển lĩnh vực này đến các địa phương. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; trong đó, tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án... Địa phương chú trọng triển khai xây dựng các công trình văn hóa, thể dục thể thao, các công trình phúc lợi xã hội; sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu giữ gìn và xây dựng môi trường sinh thái của địa phương xanh - sạch - trong lành, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng…